Ứng dụng công nghệ đo xa, đảm bảo công khai, minh bạch
Tính đến cuối năm 2017, tỉ lệ công tơ điện tử của PC Đà Nẵng là 81,7% và là công ty điện lực đứng thứ hai cả nước về tỉ lệ lắp đặt công tơ điện tử.
Ông Lê Quang Lâm - Phó phòng Kinh doanh PC Đà Nẵng chia sẻ, trước đây, khi sử dụng công tơ cơ, khách hàng gần như bị động trong việc kiểm tra, kiểm soát sản lượng điện sử dụng. Nay, với hệ thống công tơ điện tử, khách hàng dễ dàng giám sát và quản lý được lượng điện tiêu thụ theo từng thời điểm trong ngày. Đặc biệt, việc ghi sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng được thực hiện hoàn toàn tự động từ xa, đảm bảo công bằng, minh bạch và công khai.
Với các doanh nghiệp sử dụng sản lượng điện lớn, khách hàng dễ dàng theo dõi được chất lượng điện, sản lượng điện tiêu thụ nhờ ứng dụng phần mềm thu thập số liệu từ xa trên internet. Từ đó, khách hàng có thể chủ động điều hòa phụ tải, góp phần tích cực vào việc điều hòa biểu đồ phụ tải chung của toàn hệ thống điện bằng cách chuyển công suất sử dụng từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm. “Với chính sách giá điện hiện nay, nếu sử dụng điện hợp lý, khách hàng có thể tiết kiệm đáng kể chi phí điện năng cho doanh nghiệp”, ông Lâm cho biết.
Hệ thống đo xa cũng giúp các đơn vị phát hiện nhanh các sự cố, từ đó khoanh vùng và xử lý một cách kịp thời, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Cùng với đó, độ chính xác đạt đến +/- 1% của công tơ điện tử cũng loại bỏ được các sai sót, góp phần công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện năng, tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng điện.
Việc ứng dụng công nghệ đo xa cũng góp phần hỗ trợ PC Đà Nẵng nâng cao năng suất lao động, do nhân viên không phải trực tiếp xuống hiện trường ghi chỉ số, tất cả các thông số đều được tự động đưa về máy tính.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải (thứ 3 từ trái sang) làm việc tại Trung tâm Điều khiển PC Đà Nẵng
|
Ứng dụng tự động hóa vào vận hành lưới điện
Cùng với hệ thống đo đếm, việc tự động hóa hoạt động quản lý, vận hành lưới điện khi đưa vào vận hành Trung tâm Điều khiển và các TBA không người trực của PC Đà Nẵng cũng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Ông Hoàng Đăng Nam - Trưởng phòng Điều độ PC Đà Nẵng cho biết, đến nay, Công ty đã tự động hóa 6/9 TBA 110 kV. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần hiện đại hoá lưới điện Đà Nẵng theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh.
Nếu như trước đây, nhân viên vận hành các TBA 110 kV nhận và thực hiện lệnh điều độ từ điều độ viên lưới điện miền Trung và Điều độ viên lưới điện phân phối Đà Nẵng, đến nay, việc này sẽ được tập trung về đầu mối duy nhất là Trung tâm Điều khiển. Theo đó, tình trạng hoạt động cũng như thông số vận hành của các thiết bị ở các TBA được thường xuyên giám sát qua hệ thống công nghệ tại Trung tâm Điều khiển. Nếu xảy ra tình trạng bất thường (điện áp thấp, sự cố…), sẽ được hệ thống cảnh báo tới các điều độ viên, từ đó nhanh chóng có biện pháp xử lý, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện và chất lượng điện năng.
“Thông qua việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa, việc tự động hóa mang lại nhiều lợi ích thiết thực như, giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị TBA, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố... Qua đó, giảm thời gian mất điện, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp”, ông Hoàng Đăng Nam cho biết rõ hơn.
Trước đây, với chế độ trực 3 ca 5 kíp, mỗi TBA truyền thống đòi hỏi phải có ít nhất 10 nhân viên thay phiên nhau trực. Đến nay, tại các TBA sẽ không còn nhân viên vận hành trực tiếp. Lực lượng này sẽ được đào tạo và bố trí công việc phù hợp khác.
Với việc tự động hóa hệ thống lưới điện, PC Đà Nẵng đã ngày càng nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, làm hài lòng khách hàng sử dụng điện. Trong 6 tháng đầu năm 2017, PC Đà Nẵng đã thực hiện gần 5.000 cuộc gọi khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng và tất cả khách hàng đều có phản hồi tính cực, đánh giá tốt các dịch vụ điện năng.
Có thể khẳng định, ngành Điện Đà Nẵng đã và đang mang đến cho khách hàng sử dụng điện niềm tin về một doanh nghiệp hiện đại, năng động, thực sự xem khách hàng là “thượng đế”.