Tham dự Hội nghị có ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội Khoa học Nhiệt Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân và đại diện Trung tâm Phát triển xanh (Green ID), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng.
Về phía EVN có ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN và lãnh đạo các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Tập đoàn.
Tổng công suất đặt của hệ thống điện nước ta hiện nay đạt khoảng 47.000 MW, đứng thứ 24 trên thế giới và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam á. Tính từ năm 2014, hệ thống điện Việt Nam đã có dự phòng. Tới năm 2018, 100% số xã trên toàn quốc đã có điện.
Để đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế, Việt Nam đã nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015. Với dự báo nhu cầu tăng trưởng điện ở mức hơn 10%/năm – lớn hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng điện trung bình của các nước trên thế giới - là một trong những thách thức không nhỏ đối với ngành Điện hiện nay, đòi hỏi phải giải quyết "bài toán" huy động nguồn vốn cho đầu tư các dự án điện trong tương lai, cân đối cơ cấu các nguồn điện hợp lý để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế, giá năng lượng phải ở mức hợp lý.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã trao đổi về vai trò của các nguồn điện trong chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam. Trong đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, việc phát triển và vận hành các nhà máy nhiệt điện than vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng công suất phát điện của Việt Nam mới chỉ chiếm 26,3%, trong khi mức bình quân của thế giới là 36%.
Vấn đề trọng tâm khi phát triển nhiệt điện than là đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong bối cảnh Việt Nam đang phải nhập khẩu nguyên liệu sơ cấp, nâng cao độ tin cậy, nâng cao hiệu quả vận hành các tổ máy phát điện, đặc biệt là phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Phát triển nhiệt điện gắn liền với công tác bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)
|
Theo đó, đối với tro, xỉ của các nhà máy, cần có cơ chế đẩy mạnh bao tiêu, sử dụng làm nguồn nhiên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng. Với các chất khí thải như SO2, NOx, các nhà máy cần lắp đặt và vận hành tốt hệ thống xử lý các chất khí. Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền để cộng đồng hiểu rõ, chất thải nhiệt điện không phải là chất thải nguy hại.
Tại Hội nghị, các chuyên gia năng lượng cũng đã chia sẻ quan điểm, cùng với việc phát triển nhiệt điện than theo hướng bền vững, cần chú trọng đầu tư, phát triển thêm các nguồn điện mới như nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG), điện mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, do tính không ổn định, không liên tục của các nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển với tỷ trọng hợp lý, với mục tiêu quan trọng nhất là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
N.H
Share