Phong trào 350 ở Công ty Điện lực Quảng Trị

"Tuần lễ hồng EVN" là chương trình hiến máu tình nguyện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã được tổ chức nhiều năm, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp. Hòa chung khí thế đó, Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) có phong trào 350, cũng liên quan tới hiến máu.

Lãnh đạo tiên phong 

Ở PC Quảng Trị, đừng lạ lẫm khi bạn nhìn thấy Ban lãnh đạo Công ty gồm các ông Phan Văn Vĩnh (Giám đốc), Trần Quang Đông, Lê Anh Trung (cùng là Phó giám đốc) đi hiến máu không sót buổi nào, mỗi khi đơn vị tổ chức chương trình "Tuần lễ hồng EVN". Có trường hợp, các ông còn "lén" đi hiến máu một mình, khi có ca cấp cứu, cần máu gấp…

Ngước lên nhìn các sếp hăng hái trong phong trào mang đầy tính nhân văn, nhân đạo này, cán bộ, nhân viên của PC Quảng Trị cũng vượt qua nhiều e sợ mơ hồ, mạnh dạn cho đi giọt máu của mình để đưa về cơ hội sống cho người khác. Từ năm 2015 đến nay, qua 8 lần tổ chức, chương trình "Tuần lễ hồng EVN" tại Quảng Trị đã vận động được hiến được hơn 1.500 đơn vị máu vào ngân hàng máu.

Ông Phan Văn Vĩnh (Giám đốc PC Quảng Trị) tham gia hiến máu

Nhưng khoảng chừng 3 năm trở lại đây, Phong trào 350 đã đẩy việc hiến máu tình nguyện ở PC Quảng Trị lên một tầm cao mới.

Cụ thể, thông thường trước đây, mỗi khi hiến máu, người ta chỉ cho đi 250 ml máu. Nhưng một ngày đẹp trời, sau khi đã hiến máu mà thấy mình vẫn … "quá khỏe" nên ông Phan Văn Vĩnh, mới lân la hỏi các nhân viên huyết học - truyền máu của Bệnh viện T.Ư Huế về việc cho bao nhiêu ml mỗi lần là… đủ. "Mấy nhân viên y tế bảo không có quy định nhưng sức khỏe bình thường thì nên cho 350 ml. Nhiều người sợ cho thêm 100 ml thì người sẽ yếu đi nhưng thực tế là không có cơ sở khoa học nào cho điều đó", ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, sau này ông tìm hiểu thêm qua sách báo về ngành y, cũng như tư vấn của các chuyên gia y tế thì việc hiến máu thể tích 350 ml có rất nhiều ích lợi. Cụ thể, việc này sẽ làm cho người bệnh tiếp nhận máu sẽ giảm nguy cơ về tai biến truyền máu, giảm chi phí truyền máu cho người bệnh, giảm nguy cơ sinh miễn dịch, như vậy truyền máu sẽ hiệu quả hơn. "Đằng nào cũng hiến máu cứu người thì sao không cố gắng làm cho tốt hơn, cho hiệu quả hơn", ông Vĩnh đặt câu hỏi.

Hiến máu nhân đạo đã trở thành một phong trào sôi nổi ở PC Quảng Trị

Người đàn ông này đã tìm ra câu trả lời khi từ năm 2021 đến nay, tại tất cả các lễ phát động "Tuần lễ hồng EVN" của PC Quảng Trị, khi phát biểu, dù nói gì thì ông Vĩnh vẫn "khịa" vào vài câu hô hào anh em hiến 350 ml máu. Kết quả, cũng như phong trào hiến máu, dàn lãnh đạo công ty gồm giám đốc, phó giám đốc… làm trước, hiến 350 ml máu/lần, nên hiện có hơn phân nửa cán bộ, nhân viên PC Quảng Trị chọn thể tích 350 ml với mỗi lần cho đi giọt máu của mình.

"Giờ đây ở PC Quảng Trị chỉ cần nói Phong trào 350 là người ta hiểu ngay "tiếng lóng" của hiến 350 ml máu. Nhưng tôi thực sự muốn phong trào này không dừng lại trong khuôn khổ đơn vị chúng tôi mà lan tỏa hơn trong xã hội. Để ngày càng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho người bệnh", ông Vĩnh nhấn mạnh.

Ông Lê Minh Thành nói, ông hạnh phúc khi có sức khỏe tốt, dòng máu tốt để cho đi

Lập nhóm phản ứng nhanh hiến máu… 

Việc hiến máu cứu người ở PC Quảng Trị không chỉ diễn ra ở tháng 12 hằng năm khi chương trình "Tuần lễ hồng EVN" khởi động. Bởi đơn vị này thành lập hẳn một nhóm phản ứng nhanh, cơ động để sẵn sàng hiến máu bất kỳ lúc nào các cơ sở y tế cần.

Nổi tiếng và điều phối nhóm này là ông Lê Minh Thành (45 tuổi), cán bộ thuộc Văn phòng công ty. Người đàn ông đã hiến máu chừng 30 lần và thậm chí đã đăng ký hiến mô tạng, tự nguyện hiến xác cho y học, cho biết ông hạnh phúc khi sở hữu sức khỏe tốt, dòng máu đảm bảo để tặng cho mọi người. Hiện, ông Thành là thành viên Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện tỉnh Quảng Trị nên có nhiều thông tin khi ai đó cần máu, để "truyền tin về" cho nhóm phản ứng nhanh của PC Quảng Trị. "Công ty hiện có hơn 10 người trong nhóm này. Đây là việc tự nguyện, nên dù không có "lệnh" của lãnh đạo thì chúng tôi vẫn lao đi để cho máu. Khi nào có người thân cần máu mới biết tầm quan trọng của hiến máu, nhất là khi kịp lúc kịp thời", ông Thành nói.

Kể về một lần "lén" đi hiến máu mà không kịp rủ "đồng đội", ông Vĩnh cho biết đó là một ngày năm 2022, ông đang cùng lái xe đi công việc, nghe "điều động" thì 2 anh em lập tức quay xe, chạy thẳng vào viện để cho máu. "Cứ nghe họ cần máu là đi cho thôi chứ "không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu?". Hiến xong thì ai về nhà nấy, lòng vui vì biết mình đã giúp được ai đó là được rồi", ông Vĩnh chia sẻ.

Link gốc


  • 14/06/2024 11:03
  • Theo thanhnien.vn
  • 2672