Làng kinh tế mới Tân Định được thành lập từ năm 1998 với 24 hộ gia đình, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Do nằm biệt lập trong hóc núi, cách trung tâm của xã Hòa Tân Tây gần 10km nên người dân phải sống trong cảnh không có điện suốt hơn 20 năm. Trước nhu cầu cấp thiết của người dân Tân Định, cuối năm 2018, Công ty Điện lực Phú Yên đã tận dụng nguồn vốn tiết kiệm được để kéo đường dây cấp điện cho “vùng lõm” này.
Nhân viên ngành Điện kiểm tra hệ thống điện cho một hộ dân ở làng kinh tế Tân Định
|
An cư lạc nghiệp
Theo UBND xã Hòa Tân Tây, sau khi được cấp điện, đời sống người dân Tân Định đã thực sự khởi sắc. Người dân yên tâm an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống tại vùng đất mới. Với những gia đình trước đây chỉ vào Tân Định để sản xuất thì bây giờ đã sửa soạn, chỉnh trang lại nhà cửa định cư; đồng thời mạnh dạn đầu tư vườn tược, trang trại, trồng cây, nuôi heo gà, bò… để tăng gia sản xuất. Nhờ vậy đời sống ngày càng khấm khá.
Từ ngày có điện, gia đình bà Trần Thị Dung, 50 tuổi đã sắm sửa đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu như nồi cơm điện, quạt máy, ti vi, tủ lạnh... Trước sân nhà, bà Dung trồng thêm mấy luống rau, nuôi ít con gà ăn Tết. Bà Dung cho hay: Từ ngày có điện, cuộc sống gia đình tôi như bước sang một trang mới. Không chỉ sắm sửa các trang thiết bị cơ bản, Tết này chồng tôi còn thiết kế đèn trang trí rực rỡ và sắm thêm dàn karaoke để giải trí trong những ngày đầu xuân mới. Tết năm nay, nhà nhà đều phấn khởi!
Còn với gia đình chị Ánh Lai, thì đây là năm thứ 2 chị cùng các con đón Tết tại ngôi nhà nhỏ ở làng Tân Định. Chị Lai chia sẻ: Trước đây, ngôi nhà này chỉ được gia đình tôi dùng tạm khi vào đây làm ruộng; còn các con vẫn phải gửi nhà người quen để đi học. Sau khi có điện, vợ chồng tôi sửa sang lại căn nhà, sắm sửa thêm ít đồ dùng để ổn định cuộc sống. Tết này, gia đình tôi đón một cái Tết thật trọn vẹn.
Tại làng Tân Định, ngoài hơn 20 hộ dân còn có các cán bộ của trạm kênh Nam (thuộc Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam) trực quản lý hồ Hóc Răm. Khi chưa có điện, cuộc sống của cán bộ quản lý hồ rất khó khăn.
Ông Nguyễn Phú, nhân viên trạm kênh Nam, cho biết: Hàng ngày, trạm quản lý hồ Hóc Răm có 3-4 nhân viên thường trực. Khi chưa có điện, đời sống anh em rất khó khăn. Mùa khô, chúng tôi phải đi kiếm củi, để dành để mùa mưa đốt nấu ăn, đun nước. Những ngày mưa ngập thì dự trữ được gì, ăn nấy; có khi cả tuần không có thức ăn tươi. Từ ngày có điện, đơn vị đã sắm tủ lạnh, bếp nấu, đèn điện thắp sáng, quạt mát đầy đủ; đời sống anh em được cải thiện rất nhiều nên yên tâm công tác.
Nhiều cơ hội rộng mở
Sau khi làng Tân Định có điện, chính quyền địa phương khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, làng Tân Định còn có hồ thủy lợi Hóc Răm, với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ từ lâu đã được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, do trước đây chưa có điện nên không thể thu hút được các nhà đầu tư.
Sau khi có điện lưới, ông Võ Tấn Đạt, một người dân ở thôn Hội Cư đã mạnh dạn xin địa phương đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Hóc Răm. Dự án có quy mô trên 5ha; bước đầu triển khai trên diện tích hơn 1ha. Dự án có nhiều chức năng như khu chăn nuôi gà, dê, cá nước ngọt; khu trồng sen, dừa, cây ăn trái; khu ăn uống, giải trí câu cá; hồ bơi sinh thái, homestay… Đặc biệt, khu du lịch sinh thái nằm ngay dưới chân hồ thủy lợi Hóc Răm nên tạo được điểm vui chơi, nghỉ ngơi cho khách tham quan, du lịch.
Ngoài ra, từ khi có điện, một số hộ dân ở làng Tân Định cũng mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất. Cụ thể, trước đây, gia đình bà Trần Thị Dung có nghề mộc, nhưng năng suất khá hạn chế; kiểu dáng sản phẩm không phong phú do không có sự hỗ trợ của máy móc. Khi có điện, gia đình bà Dung mạnh dạn mua sắm thêm các loại máy móc phục vụ nghề mộc nên khách đặt hàng nhiều; gia đình có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn.
Ông Lê Bân, Chủ tịch HĐND xã Hòa Tân Tây, cho biết: Sau khi Tân Định có điện, chính quyền tạo điều kiện cho bà con mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Nhiều hộ dân trước đây chỉ đến Tân Định để sản xuất thì hiện nay đã yên tâm “an cư lạc nghiệp” tại vùng đất này.
Theo định hướng của xã Hòa Tân Tây, địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng đầu tư các trang trại trồng trọt, chăn nuôi vào sâu trong các sườn núi; phát triển các điểm, khu du lịch sinh thái quanh khu vực hồ Hóc Răm, tạo sự liên kết với các điểm du lịch lân cận như Suối Lạnh (xã Hòa Thịnh), suối nước nóng Lạc Sanh (xã Sơn Thành Đông)… Khi du lịch phát triển sẽ tạo thêm nhiều dịch vụ, việc làm và thu nhập cho người dân Tân Định và những khu vực lân cận.
Ông Lê Bân, Chủ tịch HĐND xã Hòa Tân Tây
|
Link gốc