Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Dự án “Chương trình năng lượng phát thải thấp” sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (Dự án V – LEEP), nghiên cứu về khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) vào hệ thống điện Việt Nam trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia - tổng sơ đồ VIII (Quy hoạch điện VIII).
Các chuyên gia từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), các chuyên gia quốc tế cùng các đối tác, tổ chức có liên quan dự Hội thảo đã có nhiều tham luận, chia sẻ với mục tiêu xây dựng hiệu quả Quy hoạch điện VIII xem xét đến việc tích hợp tỷ trọng phù hợp của nguồn năng lượng tái tạo vào trong cơ cấu nguồn, đồng thời đảm bảo tính kinh tế, ổn định, hiệu quả của hệ thống điện Quốc gia.
Việt Nam đang trải qua thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, dẫn đến nhu cầu năng lượng rất lớn trong thời gian tới. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch nội địa đang dần cạn kiệt, các nguồn thủy điện đã được khai thác hầu hết, việc phát triển NLTT ở Việt Nam là xu thế tất yếu nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào than nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh tiềm năng về NLTT tương đối dồi dào của Việt Nam, việc tăng nhanh số lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian qua còn chủ yếu dựa trên các chính sách khuyến khích phát triển NLTT của Chính phủ; những tiến bộ về khoa học công nghệ dẫn đến chi phí đầu tư cho NLTT đã giảm đi đáng kể so với một vài thập kỷ trước.
Tuy vậy, ngoài những ưu điểm đối với môi trường và phát triển bền vững nhờ giảm phát thải khí CO2, việc phát triển NLTT cũng đối mặt với những thách thức về khả năng hấp thụ và truyền tải công suất phát từ nguồn năng lượng tái tạo khi kết nối lưới điện chưa đủ mạnh, những vấn đề về ổn định hệ thống cũng như yêu cầu về tối ưu chi phí phát và vốn đầu tư nguồn và lưới điện truyền tải.