Quốc tế ưu tiên chuyển đổi kinh tế xanh

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu tối đa việc phát thải carbon là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia nhằm hạn chế những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Các nước châu Á nhập cuộc

Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, Trung Quốc đang chủ động hướng đến phát triển nền kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu phát thải khí carbon. Bắc Kinh đã áp dụng chính sách tăng tưởng xanh, tập trung vào các nhóm chính sách chủ yếu về năng lượng công nghiệp, thị trường, đầu tư và các chính sách quản lý.

Trong kế hoạch 5 năm mới đây, quốc gia này đã cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng xuống 16% và giảm cường độ phát thải CO2 (tính trên một đơn vị GDP) xuống 17% so với năm 2010.

Quốc gia tỷ dân đã đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch như: năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân, giảm dần lệ thuộc vào than đá, thủy điện. Năm 2023, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư lên đến 6.300 tỷ nhân dân tệ (890 tỷ USD) vào năng lượng sạch, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng tổng đầu tư toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch trong cùng năm và tương đương với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thụy Sĩ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn năng lượng này đóng góp 11.400 tỷ nhân dân tệ (1.600 tỷ USD) cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản từ lâu đã chú trọng phát triển nền kinh tế xanh, chuyển đổi từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và năng lượng hydro. Vào năm 2020, nước này đã thúc đẩy chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, nhằm đạt mục tiêu giảm 46% khí nhà kính vào năm 2030 và hướng đến thực hiện mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Về cơ bản, chiến lược này tập trung vào 14 lĩnh vực trọng điểm, chẳng hạn như: năng lượng gió ngoài khơi, hydro, năng lượng hạt nhân, ô tô và pin, chất bán dẫn, thông tin và công nghệ.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một loạt chương trình, sáng kiến về môi trường nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy việc mua sắm xanh cũng như bảo đảm sự phát triển của các DN môi trường hay đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt nhằm buộc các công ty phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vòng đời sản phẩm.

Từ tháng 2/2021, Singapore đã triển khai Kế hoạch xanh với 5 trụ cột: TP trong thiên nhiên, tái quy hoạch năng lượng, sống bền vững, kinh tế xanh và tương lai tự cường. Để giảm lượng phát thải, Singapore sẵn sàng từ bỏ vị thế trung tâm dầu khí của thế giới, cắt giảm sản lượng các nhà máy lọc dầu và vươn lên thành trung tâm năng lượng sạch của khu vực, trở thành nơi cung cấp LNG của khu vực Đông Nam Á.

Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là ưu tiên của các nước trên thế giới. Ảnh: AFP

Các nước châu Âu gấp rút hành động

Năm 2018, Chính phủ Pháp đã công bố lộ trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành nguyên liệu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp. Nước này đã đề ra mục tiêu giảm 50% số lượng rác thải trước năm 2025, tận dụng tối đa phế phẩm, phế liệu để làm ra những sản phẩm mới và dự kiến trong 7 năm tới sẽ có thêm 300.000 việc làm được tạo ra nhờ mô hình sản xuất mới.

Tháng 9/2023, Pháp đã công bố chiến lược quy hoạch sinh thái nhằm giảm lượng phát thải CO2, thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Theo đó, chính phủ nước này cam kết sẽ hỗ trợ 40 tỷ euro cho quá trình chuyển đổi năng lượng vào năm 2024, đồng thời cam chấm dứt sử dụng năng lượng than vào năm 2027.

Trong khi đó, đối với Vương quốc Anh, nền kinh tế xanh đã giúp nước này thoát khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng kéo dài 6 tháng liên tiếp trong năm 2023. Theo một báo cáo vừa công bố ngày 27/2, nền kinh tế xanh của Anh đã ghi nhận tăng trưởng 9% trong năm 2023, giúp toàn bộ nền kinh tế của nước này tránh đà suy thoái sâu rộng hơn.

Bên cạnh đó, việc làm trong lĩnh vực này tạo ra 114.300 bảng Anh cho hoạt động kinh tế, gấp hơn 1,5 lần so với mức trung bình 72.550 bảng Anh của cả nước.

Louise Hellem - nhà kinh tế trưởng của CBI nhận định việc chuyển sang mục tiêu trung hòa khí thải đã tạo cơ hội to lớn cho nền kinh tế Anh, đồng thời kêu gọi chính phủ tăng cường đầu tư nhằm đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.

Thụy Điển là một trong những quốc gia tiên phong về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Từ lâu, quốc gia Bắc Âu này thực hiện quản lý duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với giảm tối đa khí carbon nhằm bảo vệ môi trường. Thụy Điển đã áp dụng nhiều giải pháp thiết thực để giảm thiểu các loại rác thải gây ô nhiễm, như đánh thuế cao các loại chất thải, ưu đãi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học...

Link gốc


  • 03/05/2024 03:54
  • Theo kinhtedothi.vn
  • 2984