Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ: Nhiều cơ quan cùng sốt ruột

Việc Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm của Việt Nam.

Nhiều cơ quan cùng sốt ruột vì Quy hoạch điện VIII chậm tiến độ

Cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã chính thức trình Chính phủ dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII).

Có thể nói, Quy hoạch điện VIII là cơ sở pháp lý căn bản để triển khai các dự án nguồn và lưới điện, đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua nhiều lần chỉnh sửa và đệ trình lại, cho tới nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn chưa được thông qua.

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch chậm dẫn đến chưa triển khai được các dự án phát triển điện năng, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

  Ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam kiến nghị, Chính phủ sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất điện đối với môi trường.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, có nhiều lý do dẫn đến việc Quy hoạch điện VIII phải điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc chậm tiến độ phê duyệt. Ví dụ, như trong năm 2022, Bộ Công Thương phải sửa đổi Quy hoạch điện VIII để phù hợp với những cam kết tại COP26, phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra 3 mục tiêu quan trọng, cần phải được đồng bộ nhưng đang gặp phải rất nhiều thách thức.

Thứ nhất, mục tiêu quan trọng nhất của Quy hoạch điện VIII là bảo đảm an ninh năng lượng. Thứ hai là thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng một cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu các cam kết vào 2050.

Đồng thời, một mục tiêu rất quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là cần phải bảo đảm tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với một chi phí hợp lý.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương đang cùng lúc xây dựng một số nhiệm vụ khác cũng liên quan tới việc phát triển điện năng, trong đó có 3 dự luật rất quan trọng trong việc phát năng lượng quốc gia.

Thứ nhất là sửa đổi Luật Điện lực, hai là sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và ba là xây dựng mới một luật về năng lượng tái tạo và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa để bảo đảm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và giảm giá thành sản xuất điện năng.

Dù vậy, Thứ trưởng Đặng Hoàng An tiết lộ: Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mới đây, vào đầu tháng 3/2023, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản “thúc” Bộ Công Thương hoàn thành Quy hoạch điện VIII.

Các nhà đầu tư nước ngoài hối thúc Việt Nam sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Có thể nói, Quy hoạch điện VIII rất quan trọng, đây là căn cứ cho nhiều quy hoạch ngành khác có liên quan và cơ sở để triển khai các dự án điện trên phạm vi cả nước, đặc biệt khi còn nhiều dự án nguồn điện, lưới điện vẫn chưa được đưa vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh trước đó, dù đã có những thay đổi nhất định về phụ tải.

Bên cạnh đó, với chủ trương chuyển đổi từ các nguồn điện truyền thống gây ô nhiễm môi trường sang nguồn điện sạch, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm vào ngành năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, mọi thứ đều phải chờ đợi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nêu ví dụ về việc cần sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII. Theo ông Dũng, với các dự án điện cần phải có thời gian tương đối dài thì để thực hiện, như lưới điện có thể chỉ cần 2-3 năm, nhưng nguồn điện có thể phải cần đến 5-6-7 năm.

Chính vì vậy, để có cơ sở để đảm bảo cung ứng điện cho những năm tới thì Quy hoạch điện VIII phải được duyệt.

“Đối với nhiều nguồn điện, lưới điện đã có những bước thay đổi, phụ tải điện cũng đã có những thay đổi, cho nên cần phải được cập nhật, bổ sung những dự án, đặc biệt là lưới điện cung cấp điện cho miền Bắc, bởi vì tốc độ tăng trưởng phụ tải ở đây nó đã thay đổi”, ông Dũng nói.

Ông Dũng nhấn mạnh: Trước đây, Việt Nam, đã có Quy hoạch điện VII, nhưng một số dự án lưới điện, nguồn điện chưa có và phải bổ sung vào Quy hoạch điện VIII, cho nên Quy hoạch điện VIII phải được duyệt thì mới có các cơ sở triển khai các dự án đó…

Hoặc, đối với các dự án điện gió ngoài khơi, khung thời gian phát triển thậm chí kéo dài tới 5-11 năm, bao gồm các bước: khảo sát, cấp phép, phát triển dự án, chuẩn bị thi công, thi công, chạy thử....

“Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu 7.000MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, hiện đã bước sang năm 2023, nếu Quy hoạch điện VIII không được phê duyệt kịp thời thì mục tiêu này nói riêng và các mục tiêu khác về quy hoạch điện lực sẽ khó mà thực hiện được”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, ông John Rockhold - chuyên gia nghiên cứu về điện và năng lượng cho biết: Tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và dự thảo Quy hoạch điện VIII đều đặt ra mục tiêu phát triển nguồn năng lượng xanh và bền vững, điều này không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng mà còn phải đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các quy hoạch tổng thể ngành.

Tuy nhiên, việc thực hiện quá trình chuyển đổi này không thể dựa hoàn toàn vào nguồn lực quốc gia, thay vào đó, ông John Rockhold đánh giá cần phải có những chính sách hấp dẫn để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, về cả khía cạnh tài chính và kỹ thuật.

“Trong Nghị quyết 55 và Dự thảo Quy hoạch điện VIII, ước tính việc chuyển đổi sang nguồn điện sạch cần khoảng 16 tỷ USD. Với số tiền này, Việt Nam cần tạo ra khung pháp lý và cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân. Chúng tôi tự tin rằng khung pháp lý phù hợp sẽ khuyến khích dòng vốn chảy vào Việt Nam”, ông John Rockhold nhấn mạnh.

Ông John Rockhold đánh giá: Việc lập Quy hoạch điện VIII là một quá trình cần thời gian, tuy nhiên, không còn nhiều thời gian để các nhà đầu tư thực hiện những cam kết và mục tiêu mà họ đã đặt ra trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

“Nhiều công ty sản xuất cần thể hiện cho khách hàng và cổ đông thấy tiến triển qua từng năm trong việc thực hiện những cam kết và mục tiêu tăng trưởng xanh. Do đó, chúng tôi hy vọng có được sự hỗ trợ của Chính phủ để các dự án điện không nối lưới có thể được triển khai trong năm nay”, ông John Rockhold nói.

Ông Nagaoka Teketoshi - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam đã đề xuất với Bộ trưởng Bộ Công Thương về dự thảo tổng sơ đồ phát triển điện VIII. Trong đó, đơn vị này mong muốn hợp tác thông qua xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm giúp công tác điện ổn định và chuyển đổi năng lượng thực tế.

Link gốc


  • 07/04/2023 09:50
  • Theo Nhà báo và Công luận
  • 10029