Từ trung tâm xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, men theo con đường cấp phối dài gần 10 km lởm chởm đá hộc, nhiều đoạn toàn "ổ voi", "ổ trâu", vượt suối, sau hơn một giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thôn Nà Lồm, nơi có hơn 60 hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống.
Giao thông đi lại khó khăn cách trở, thiếu ruộng cấy lúa, đến nay Nà Lồm có tới 60 hộ nghèo. Từ bao đời nay, các hộ dân ở đây không có điện lưới quốc gia, khi màn đêm buông xuống, cuộc sống của cả thôn lam lũ trong ánh đèn dầu.
Đầu năm 2016, Công ty Điện lực Bắc Cạn thực hiện dự án đưa điện đến Nà Lồm, cột điện, đường dây đã được tập kết tại thôn; mỗi hộ được đầu tư một công-tơ, đường dây kéo điện về nhà, lắp đặt một bảng điện, một bóng điện miễn phí, từ trẻ nhỏ đến các cụ già, ai cũng vui mừng, háo hức chờ đợi ngày sẽ được cấp điện lưới. Tại điểm trường Nà Lồm được xây dựng khang trang, nơi có 60 học sinh tiểu học và mầm non là con em trong thôn, đang học một lớp học mầm non và ba lớp tiểu học, các phòng học đều đã lắp sẵn quạt trần và bóng điện.
Cô giáo Vũ Thị Hoa tâm sự: "Cô và trò mong ước có điện sớm ngày nào hay ngày đó, nhất là vào những ngày hè, lớp học nắng nóng". Tuy nhiên, công việc liên quan đến đưa điện về thôn Nà Lồm phải tạm dừng từ hai tháng nay, nguyên nhân chủ yếu là do chưa giải phóng được mặt bằng để thi công công trình.
Đồng bào dân tộc ở thôn Củm Nhá và thôn Phe Khao, xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn, Bắc Cạn) được sử dụng điện lưới quốc gia từ đầu năm 2015
|
Ở nhiều thôn, bản khác trên địa bàn tỉnh cũng đang trong tình trạng tương tự. Các gia đình đã được lắp đặt miễn phí đường dây, bảng điện, một bóng điện miễn phí, nhưng bà con chờ nhiều tháng qua mà chưa được cấp điện. Lý do vẫn vì dự án đưa điện lưới quốc gia về các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Bên cạnh quy trình thu hồi đất hiện nay có rất nhiều thủ tục thì giải phóng mặt bằng cho công trình lưới điện, nhất là đối với tỉnh miền núi Bắc Cạn có đặc thù riêng, không giống như các công trình khác đang gặp rất nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Cụ thể là, mặc dù hạn chế tối đa sử dụng đất, thậm chí mỗi vị trí chỉ thu hồi vài mét vuông đất, nhưng vẫn phải có kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình HĐND tỉnh phê duyệt. Sau đó Công ty Điện lực Bắc Cạn (chủ đầu tư dự án) phải thuê tư vấn xác định giá đất, trình các ngành chức năng thẩm định, tiếp đến là trình Hội đồng phê duyệt giá đất của tỉnh phê duyệt. Rồi Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng cấp huyện thống kê, áp giá, chi trả tiền thì mới thu hồi được đất để tiến hành chôn cột, kéo đường dây tải điện.
Trong khi đó, nhiều đơn vị chức năng và một số địa phương đều chưa thật sự quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng cho các công trình đưa điện về các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh, nhiều việc thực hiện các bước rất chậm và giá đất sang năm sau thay đổi lại phải làm từ đầu, rất mất thời gian.
Khắc phục vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Cạn Ngô Văn Gia cho biết: "Quy trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất hiện nay vướng rất nhiều thủ tục. Dự án đưa điện về các thôn, bản chưa có điện triển khai trên địa hình hiểm trở, địa bàn trải rộng tại bảy huyện, thời gian thực hiện ngắn, dự án có tính chất đặc thù cho nên chúng tôi đề nghị vừa thi công vừa làm công tác giải phóng mặt bằng để dự án kịp tiến độ, đáp ứng mong mỏi được cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa".
Các thôn, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ cư trú. Nhà nước đầu tư dự án đưa điện về các thôn, bản này nhằm từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Khi triển khai dự án này, tỉnh Bắc Cạn đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban vận động từ tỉnh đến xã với đầy đủ đại diện các cơ quan, thành phần chức năng để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhưng Ban chỉ đạo, Ban vận động ở cả ba cấp chưa quyết liệt vào cuộc.
Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Cạn Dương Quang Sơn cho rằng: "Đối với công trình đưa điện về các thôn, bản chưa có điện, đề nghị UBND tỉnh cho phép vừa thi công vừa làm công tác giải phóng mặt bằng. Sau khi UBND các huyện phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng ba ngày, chúng tôi cam kết trả tiền bồi thường về đất đai, cây cối, hoa màu cho bà con đầy đủ. Làm như thế, sẽ tháo gỡ được khó khăn lớn nhất hiện nay, đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mong đợi được sử dụng điện bấy lâu nay của đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Bắc Cạn".