Sử dụng hiệu quả tro, xỉ nhiệt điện

Xử lý, sử dụng tro, xỉ nhiệt điện là vấn đề được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục.

Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng được ban hành năm 2021. Đây là văn bản quan trọng, định hướng hầu hết hoạt động xử lý tro, xỉ nhiệt điện.

Nguồn cung dồi dào

Bộ Xây dựng cho biết theo số liệu tổng hợp từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cả nước hiện có 31 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động. Năm 2023, tổng lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước là hơn 18,07 triệu tấn.

Bãi tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải

Việc xử lý, tiêu thụ tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện trên cả nước có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây, từng bước tiệm cận mức phát thải. Riêng năm 2023, lượng tro, xỉ được tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 18,01 triệu tấn - tương đương 99,6% tổng lượng phát thải trong năm. 

Đến cuối năm 2023, tổng lượng tro, xỉ nhiệt điện đã tiêu thụ cộng dồn qua các năm trên cả nước là khoảng 83 triệu tấn - chiếm 66,2% tổng lượng phát thải từ trước tới nay. Tổng khối lượng tro, xỉ hiện lưu giữ tại bãi chứa của các nhà máy nhiệt điện là 46,4 triệu tấn.

Theo Bộ Xây dựng, tro, xỉ được sử dụng nhiều nhất trong vật liệu san lấp, phụ gia khoáng trong xi măng, phụ gia bê-tông trong công trình thủy lợi, công trình giao thông và công trình xây dựng dân dụng. Ngoài ra, tro, xỉ còn được dùng để thay thế một phần nguyên liệu sản xuất gạch xây nung và không nung.

Nghiên cứu để san lấp công trình, đắp nền đường

Ông Ngô Văn Sỹ, Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), thông tin 3 nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng đang gặp khó về đầu ra tiêu thụ tro, xỉ lưu tại bãi. Hằng năm, bãi tro, xỉ của Công ty Nhiệt điện Duyên Hải được Viện Khoa học Công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng lấy mẫu thử nghiệm và cấp chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy dùng cho san lấp, xây dựng theo tiêu chuẩn, quy định hiện hành. Cụ thể, chứng nhận hợp chuẩn tro, xỉ đạt TCVN 12249:2018 - tro xỉ nhiệt điện than làm vật liệu san lấp; chứng nhận hợp quy tro bay dùng cho bê-tông, vữa xây và xi măng theo QCVN 16:2017/BXD.

Đề cập giải pháp cho vấn đề tồn lưu hàng triệu tấn tro, xỉ, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho hay sẽ triển khai xây dựng hồ sơ mời xử lý, tiêu thụ. Công ty sẽ phát hành rộng rãi hồ sơ mời chào, thu hút các nhà tiêu thụ tro, xỉ tiềm năng.


Tro, xỉ nhiệt điện được sử dụng làm gạch không nung

Theo ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tỉnh đang thực hiện nghiên cứu "Ứng dụng giải pháp công nghệ sử dụng phối hợp tro, xỉ Nhiệt điện Duyên Hải và cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường, bê-tông xi măng mặt đường, nhằm góp phần sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu hiện có trên địa bàn phục vụ các công trình giao thông tại Trà Vinh và ĐBSCL". 

Nghiên cứu này sẽ đánh giá chất lượng, độ bền của tro, xỉ khi phối hợp với cát nhiễm mặn trên đoạn đường thử nghiệm 100 m với 54 vị trí đo. Cơ quan chức năng sẽ xem xét hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và tác động môi trường của việc sử dụng phối hợp 2 loại vật liệu này.

Vừa qua, trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hiếu - Bí thư Thành ủy Cần Thơ - đề xuất địa phương được sử dụng tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp đường giao thông và hạ tầng khu công nghiệp. 

Theo thống kê, từ nay đến năm 2026-2027, Cần Thơ cần có 20 triệu m3 cát để làm các công trình giao thông trọng điểm, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ... Tuy nhiên, thành phố không có mỏ cát lớn nên không thể khai thác để phục vụ các công trình này.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề xuất Thủ tướng cho phép thành phố thí điểm dùng cát biển và tro, xỉ để giải quyết nhu cầu san lấp công trình trong thời gian tới. "Việc thí điểm này chỉ thực hiện trong phạm vi giới hạn để kiểm soát. Cần Thơ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai thực hiện, nếu được phép" - ông Nguyễn Văn Hiếu đề đạt.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn TP Cần Thơ triển khai thực hiện vấn đề nêu trên. 

Nghiên cứu, đánh giá khi dùng làm đường cao tốc

Theo nhóm tác giả biên soạn tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12660:2019 về "Tro, xỉ nhiệt điện đốt than làm nền đường ô tô - Yêu cầu kỹ thuật, thi công và nghiệm thu", vật liệu này chưa áp dụng được để đắp nền đường cao tốc, chỉ có thể sử dụng cho đường cấp IV trở xuống.

Bởi lẽ, tro, xỉ nhiệt điện có kích cỡ hạt nhỏ (0,01 - 0,1 mm, thuộc nhóm đất bụi), trơ và kém dính. Do vậy, nền đường đắp bằng tro, xỉ dễ mất ổn định khi chịu tải trọng trùng phục lớn (xe tải trọng nặng và số lượng xe nhiều như đường cao tốc). Ở khu vực có mực nước ngầm cao, nền đường sử dụng tro, xỉ rất dễ bị hóa lỏng, mất cường độ, dẫn dến bị hư hại.

"Như vậy, việc sử dụng tro, xỉ nhiệt điện xây dựng đường cao tốc cần được nghiên cứu, đánh giá thêm. Tuy nhiên, trước mắt, tro, xỉ nhiệt điện có thể được sử dụng trong thi công cấu kiện bê-tông, cầu bê-tông, đường cao tốc bằng cầu cạn..." - Bộ Xây dựng đánh giá.

Link gốc


  • 22/07/2024 05:29
  • Theo Báo Người lao động
  • 410