Sửa biểu giá điện: Ưu tiên giảm số bậc thang

Trong báo cáo với Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc tăng giá điện, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu về cơ cấu giá điện bậc thang, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Trước nhu cầu sử dụng điện tăng cao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong tháng 6 sẽ đề xuất Bộ Công Thương sửa đổi biểu giá điện lũy tiến, trong đó ưu tiên phương án giảm số bậc thang. Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN.

* Thưa ông, Bộ Công Thương cho biết sẽ tính tới việc sửa đổi biểu giá điện lũy tiến, phải chăng là biểu giá bậc thang hiện tại không phù hợp?

- Từ năm 2011 đến 1/6/2014, giá điện có 7 bậc, sau đó đã giảm 1 bậc còn 6 bậc thang (theo hướng thu gọn từ 101 - 150 và 151 - 200 thành 101 - 200). Năm 2015, EVN đã tổ chức nhiều hội thảo về đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt với biểu giá được thiết kế theo hướng khuyến khích tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả, có chú ý đến chính sách hỗ trợ đối với những hộ dùng điện ít và có thu nhập thấp, hộ chính sách...

Sau khi phân tích các ưu nhược điểm, phương án được lựa chọn vẫn là tiếp tục thực hiện biểu giá bậc thang có 6 bậc.

Thống kê từ năm 2015 đến nay cho thấy số hộ sử dụng dưới 50 kWh có xu hướng giảm, từ 4,5 triệu hộ năm 2015 còn 3,9 triệu hộ năm 2018. Số hộ sử dụng dưới 100 kWh cũng giảm, trong khi đó số hộ sử dụng từ 101 kWh trở lên lại tăng cao. Tính bình quân, mỗi hộ một tháng dùng 156 kWh thì năm 2018 tăng lên 180 kWh, tức khoảng 13%.

Như vậy, có thể nhận định người dân đã sử dụng nhiều thiết bị điện hơn, đời sống đã được cải thiện.

Chính vì thế, tháng 6/2019, EVN sẽ đề xuất một số phương án báo cáo Bộ Công Thương theo hướng giảm số bậc và các phương án ghi chỉ số, tính toán hóa đơn trong kỳ thay đổi giá nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người dân dễ kiểm tra, dễ theo dõi và dễ giám sát.

* Vậy EVN dự kiến đề xuất phương án sửa giá điện lũy tiến trên cơ sở nào, thưa ông?

- Hiện nay, nguồn năng lượng hóa thạch dần cạn kiệt, năng lượng tái tạo ở nước ta mới phát triển nhưng gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam tăng khoảng 10% mỗi năm. Vì thế sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ngày càng cấp thiết.

Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2025 và từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 - 2030.

Các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... cũng đang áp dụng giá bán điện bậc thang để khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Do vậy, việc nghiên cứu đề xuất biểu giá điện trong thời gian tới cũng tiếp tục duy trì theo hướng này, đồng thời dựa trên số liệu thống kê sử dụng điện thời gian qua.

Ngoài ra còn có kết quả, ý kiến của các cuộc hội thảo với các chuyên gia năm 2015, từ đó EVN phân tích, đánh giá, đưa ra một số phương án và lựa chọn phương án tối ưu, trong đó ưu tiên phương án giảm số bậc thang.

* Phương án một giá điện đã từng được đề xuất, vì sao EVN lại không áp dụng, vì ngay cả một lãnh đạo của EVN cũng thừa nhận "dễ quản lý hơn"?

- Đúng là năm 2015 trong 3 phương án biểu giá điện, có phương án đồng giá, tức là chỉ một giá điện.

Tuy nhiên, các ý kiến góp ý của các giới đều cho thấy khi thiết kế biểu giá vẫn phải theo hướng khuyến khích tiết kiệm điện, sử dụng điện có hiệu quả, có chú ý đến chính sách hỗ trợ đối với những hộ dùng điện ít và có thu nhập thấp, hộ chính sách, đại bộ phận những hộ tiêu dùng điện có tỉ trọng tiêu thụ sản lượng điện ở mức trung bình.

Hiện tại, nếu áp dụng một giá điện sẽ thuận lợi cho việc tính toán tiền điện của các hộ tiêu dùng, đơn giản hơn trong việc tương tác giữa EVN với khách hàng sử dụng điện, nhưng không đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và không thể hiện được chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp.

* Đâu là những giải pháp mà EVN thực hiện để thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, tiến tới thị trường bán lẻ điện?

- Theo lộ trình, khâu kinh doanh bán lẻ điện sẽ được tách ra khỏi khâu phân phối điện khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, sau năm 2020.

Để chuẩn bị cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, hội đồng thành viên EVN đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng đề án tách bạch mô hình tổ chức khâu phân phối điện và kinh doanh bán lẻ điện trong các tổng công ty điện lực theo hướng nghiên cứu phương án thành lập đơn vị trực thuộc các tổng công ty quản lý trực tiếp lưới điện phân phối, các công ty điện lực này tiếp tục thực hiện chức năng kinh doanh bán lẻ điện.

Từ năm 2021 sẽ thực hiện tách bạch về mặt tổ chức để cổ phần hóa các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện, khi đó các công ty kinh doanh bán lẻ điện sẽ cạnh tranh với nhau để bán điện cho khách hàng.

Đồng thời, hội đồng thành viên EVN cũng giao nghiên cứu xây dựng đề án thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm trong nội bộ tập đoàn để các đơn vị bán lẻ điện thí điểm cạnh tranh trong nội bộ tập đoàn, từng bước tập dượt cho việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021.

* Một khi thị trường bán lẻ điện hình thành, cạnh tranh, theo ông, giá điện sẽ có tăng/giảm và người dân có được mức giá phù hợp?

- Hiện nay EVN đã chủ động thực hiện tách bạch chi phí giữa quản lý lưới phân phối và khâu bán lẻ trong hoạt động kinh doanh tại các tổng công ty điện lực từ năm 2017. Đồng thời, chúng tôi cũng chủ động chỉ đạo xây dựng đề án thị trường điện bán lẻ, dự kiến sẽ hoàn thành và báo cáo Bộ Công Thương vào tháng 7/2019.

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường điện bán buôn hoàn chỉnh đang được EVN đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Thực tế giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh hiện nay thay đổi từng giờ và phụ thuộc vào cơ cấu nguồn phát. EVN sẽ đề xuất với Bộ Công Thương để có phương án điều chỉnh giá điện kịp thời phản ánh sự tăng/giảm theo giá nhiên liệu và theo cơ cấu nguồn được huy động (thay đổi theo mùa).


  • 20/05/2019 02:30
  • Theo Tuổi trẻ
  • 13042