“Sức mạnh cộng sinh” - khả năng kết hợp và phát huy tiềm năng của từng cá nhân để tạo ra một sức mạnh tổng hợp, đang trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của DN trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn chưa khai thác được triệt để sức mạnh tiền ẩn này.
Ảnh minh họa.
|
Thủ phạm chính của "rào cản" này chính là những "điểm mù hệ thống" - được ví như những "tảng băng chìm" ẩn chứa nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của DN. Để xây dựng được tinh thần lãnh đạo, cộng tác trong tổ chức không phải là thay đổi người làm việc mà phải hóa giải những vấn đề của hệ thống ngầm ẩn ở bên dưới. Trên thực tế, rất ít người dám thừa nhận sự tồn tại của những vấn đề ở bên dưới tảng băng và coi đó là những vấn đề bất thường.
Bà Thi Anh Đào - Đồng sáng lập SYLVA cho rằng, trong thời đại biến động hiện nay, việc tạo nên sức mạnh cộng sinh không chỉ đơn giản là xây dựng văn hóa hay dựa vào năng lực lãnh đạo, mà cần phải nhận diện và giải quyết những vấn đề hệ thống tiềm ẩn. Đặc biệt là là việc thấu hiểu con người, hệ thống và những yếu tố ngầm ẩn bên dưới. Thực tế, có nhiều điểm mù về không gian, thời gian, tính tương quan, quy trình… tồn tại trong mỗi tổ chức cần được "giải mã".
Với “điểm mù không gian”, mỗi cá nhân, phòng ban chỉ nhìn thấy "thế giới" của riêng mình mà không hiểu rõ bức tranh toàn cảnh của tổ chức. Điều này dẫn đến sự thiếu kết nối, thiếu hiểu biết lẫn nhau và khó khăn trong việc hợp tác hiệu quả.
Ở “điểm mù thời gian”, mọi người chỉ tập trung vào hiện tại, không quan tâm đến lịch sử và quá trình phát triển của tổ chức. Điều này khiến họ thiếu đi bài học kinh nghiệm quý báu và khó khăn trong việc dự đoán, thích ứng với những thay đổi trong tương lai. Với “điểm mù về tính tương quan”, quan hệ giữa các cá nhân, phòng ban trong tổ chức bị "rạn nứt" do xung đột, thiếu tin tưởng, thiếu tôn trọng. Điều này làm mất đi sự gắn kết, tinh thần đồng đội và cản trở việc xây dựng sức mạnh cộng sinh.
Sẽ là hệ lụy khôn lường khi "tảng băng chìm" bị bỏ qua. Những điểm mù hệ thống, nếu không được nhận diện và giải quyết kịp thời, sẽ như những "con virus" âm thầm "gặm nhấm" sức mạnh của tổ chức, dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Điển hình là sự cộng tác “tan vỡ”. Mỗi cá nhân sẽ trở thành một "ốc đảo" cô lập, thiếu sự kết nối và hỗ trợ, dẫn đến sự đứt gãy trong cộng tác và chia sẻ kiến thức.
Khi tinh thần làm việc sa sút, hiệu suất làm việc cũng giảm, khiến DN đánh mất lợi thế cạnh tranh và khó đạt được mục tiêu đề ra. Còn khi những xung đột, mâu thuẩn "bùng nổ”, những bất đồng giữa các cá nhân và bộ phận gia tăng sẽ tạo ra môi trường làm việc căng thẳng, tiêu cực, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của tổ chức. Những vấn đề này sẽ khiến việc đổi mới của tổ chức, DN bị "dậm chân tại chỗ” dẫn đến hoạt động DN trì trệ, khó thích ứng với những thay đổi của thị trường, mất đi động lực sáng tạo và dần tụt hậu so với đối thủ.
Để "phá băng" những điểm mù hệ thống, DN cần giúp các thành viên hiểu rõ về những điểm mù hệ thống và tác động của chúng đến hiệu quả làm việc và sự cộng tác. Lãnh đạo DN phải khuyến khích phản hồi đa chiều và biết lắng nghe tiếng nói từ bên trong bằng việc tạo ra kênh giao tiếp mở, nơi mọi người có thể thoải mái chia sẻ ý kiến, phản hồi và đóng góp ý tưởng cải thiện.
Song song đó, phải đánh giá hiệu quả làm việc, năng suất lao động và sự hài lòng của nhân viên. song hành với việc thử nghiệm những thay đổi nhỏ và điều chỉnh dần dần cho phù hợp với bối cảnh và đặc thù của DN.
Nhận diện và giải quyết những "điểm mù hệ thống" là một hành trình đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực và cam kết từ tất cả các thành viên trong tổ chức. Đây là chìa khóa then chốt để xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả, năng động và sáng tạo, nơi mọi người có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình và đóng góp cho sự phát triển bền vững của DN.
Link gốc