TS Ðoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng: Nghị quyết số 55 vừa cụ thể, vừa toàn diện, sâu sắc

Trong khi Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 được các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đánh giá cao vì những định hướng vừa cụ thể, vừa khái quát, toàn diện. PV đã có cuộc trao đổi với TS Ðoàn Văn Bình - Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xoay quanh nội dung này.

TS Đoàn Văn Bình

PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia năng lượng, theo ông Nghị quyết 55 được ban hành ở thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?

TS Ðoàn Văn Bình: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng, kịp thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém và các nguyên nhân của sự yếu kém đó. Ngành Năng lượng phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian tới, trong đó, phải giải quyết những tồn tại từ giai đoạn trước.

Thứ nhất, tính không đồng bộ của cả hệ thống pháp lý dẫn đến quá trình triển khai cũng như nhận thức của các bên tham gia trong quá trình phát triển ngành Năng lượng là không thống nhất.

Thứ hai, chúng ta phải thay đổi lại cơ cấu nguồn năng lượng sao cho hợp lý hơn, đáp ứng được các yêu cầu về cung cấp đủ năng lượng cho quốc gia và phải đảm bảo được quá trình sản xuất và tiêu thụ năng lượng ngày càng sạch hơn, xanh hơn, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Việt Nam phải đưa ngành Năng lượng phát triển theo đúng quan điểm nhất quán của Ðảng, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - ngành Năng lượng phải nằm trong bối cảnh chung đó để phát triển thị trường năng lượng có định hướng XHCN. Ðó là ý nghĩa rất quan trọng của Nghị quyết 55 ra đời trong thời điểm này.

PV: Xin ông cho biết, những điểm mới trong Nghị quyết 55 so với Nghị quyết 18 ban hành năm 2007?

TS Ðoàn Văn Bình: Nghị quyết 55 thể hiện rõ được 2 đặc điểm chủ yếu, đó là tính toàn diện và tính cụ thể.

Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 có những định hướng cốt lõi cho phát triển ngành Năng lượng trong tương lai. Trước tiên là đảm bảo phát triển bền vững an ninh năng lượng quốc gia - nền tảng cho mọi sự phát triển tiếp theo.

Thứ hai, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thứ ba, phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng. Thứ tư, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0. Thứ năm, việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trở thành quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội.

Quan điểm chỉ đạo đã thể hiện rõ, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam. Tính thời đại ở đây được thể hiện ở việc gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu, ứng dụng những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong các phân ngành và lĩnh vực năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Năng lượng, từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng… 

Chúng tôi nhận thấy, các quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 55 rất cụ thể, nhưng vẫn khái quát được tầm nhìn và mang tính toàn diện sâu sắc.

PV: Nghị quyết cũng đã cụ thể hóa rất nhiều vấn đề và các yêu cầu phát triển năng lượng bền vững. Ông nhìn nhận thế nào về những yêu cầu này?

TS Ðoàn Văn Bình: Như tôi đã nói, đây là một Nghị quyết vừa mang tính toàn diện, tính định hướng dài hạn và vừa đưa ra được các yêu cầu, các mục tiêu cụ thể. Ở đây có 7 mục tiêu và có 10 nhiệm vụ, giải pháp định hướng phát triển ngành Năng lượng cũng như các phân ngành năng lượng.

Nghị quyết không có những cụm từ hay những thuật ngữ chung chung, dẫn đến việc kể cả những người xây dựng chính sách và các cơ quan quản lý cũng còn có những sự hiểu khác nhau, đưa đến sự bất đồng bộ. Nghị quyết này đã giúp cho các cơ quan triển khai sau này khắc phục được “sự hiểu biết khác nhau” đó.

Và chúng tôi hi vọng, quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, hoặc là các Quy hoạch đều có được sự hiểu biết, thống nhất và nhất quán từ khâu ban hành chính sách đến khâu tổ chức thực hiện.

PV: Nghị quyết 55 nhấn mạnh, việc “nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và cả hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành Năng lượng. Các cấp ủy đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần xác định, phát triển năng lượng quốc gia là nhiệm vụ quan trọng”. Ông đánh giá thế nào về yêu cầu này?

TS Ðoàn Văn Bình: Nghị quyết chỉ rõ, nhiệm vụ phát triển ngành Năng lượng không chỉ là dành riêng cho ngành Năng lượng, vì chúng ta biết là ngành Năng lượng cung cấp năng lượng cho nền kinh tế - giống như là chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì vậy, nó liên quan đến tất cả, rất nhiều các Bộ ngành và đến từng người dân, doanh nghiệp.

Tôi rất tâm đắc với nội dung Phần 3, mục Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, Nghị quyết đã đưa ra yêu cầu cơ cấu lại các ngành tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài, giảm cường độ tiêu thụ năng lượng. Ðiều đó nói lên rằng, việc sử dụng hiệu quả năng lượng sẽ có tác động qua lại, vừa là nguyên nhân, nhưng cũng là kết quả của việc tái cơ cấu nền kinh tế. Nghĩa là, chúng ta có thể sử dụng và phát triển các ngành kinh tế mà sử dụng ít năng lượng, nhưng hiệu quả cao hơn, mang về được lợi nhuận cao - thay vì chúng ta phát triển các ngành tiêu thụ quá nhiều năng lượng, dẫn đến việc tiêu hao nhiều năng lượng sơ cấp cũng như làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

PV: Theo ông, Chính phủ và các Bộ ngành cần làm gì để Nghị quyết của Ðảng đi vào cuộc sống và việc triển khai được thực hiện theo đúng tinh thần của Nghị quyết?

TS Ðoàn Văn Bình: Ðể triển khai Nghị quyết này, có rất nhiều công việc cần phải làm. Theo tinh thần quán triệt Nghị quyết, toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến một số các nhóm vấn đề chính cần phải thực hiện:

Công việc đầu tiên là chúng ta phải đồng bộ về thể chế, về các cơ sở pháp lý, từ việc đồng bộ các luật liên quan đến phát triển năng lượng điện lực và các ngành liên quan cho đến việc xây dựng các chiến lược phát triển ngành Năng lượng hay Chiến lược phát triển ngành Ðiện, các phân ngành Ðiện, ngành Than, Dầu khí…

Tiếp theo, phải cụ thể hóa các quy hoạch như: Quy hoạch Phát triển tổng thể Năng lượng quốc gia, Quy hoạch Phát triển Ðiện lực quốc gia phù hợp với tinh thần của Nghị quyết. Ðối với các địa phương, việc kết hợp Quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố nằm trong Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố cũng phải được triển khai theo tinh thần của Nghị quyết  55 của Trung ương. Theo Nghị quyết “phải xây dựng được cơ chế và khung pháp lý đảm bảo cho việc tuân thủ các quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư chậm triển khai và làm ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”.

PV: Có ý kiến cho rằng, thời điểm này đủ độ “chín” để Việt Nam tái khởi động lại điện hạt nhân, nhưng Nghị quyết vẫn không đề cập đến. Vậy theo ông, tại sao Nghị quyết lại không đề cập đến vấn đề điện hạt nhân?

TS Ðoàn Văn Bình: Theo tôi, có ba lý do chưa đề cập đến điện hạt nhân trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

Thứ nhất, với sự phát triển mạnh của các công nghệ năng lượng tái tạo và các công nghệ năng lượng khác, điện hạt nhân ngày càng trở nên đắt hơn so với giá điện sản xuất từ các công nghệ năng lượng khác, trong đó có NLTT. Chúng ta phải nhập khẩu hầu hết các công đoạn, từ thiết kế, vật tư thiết bị, xây lắp đến vận hành khi xây dựng  nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, giá thành sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam đắt hơn nhiều so với ở những nước làm chủ được công nghệ điện hạt nhân.

Thứ hai, trên thế giới, nhiều nước cũng có xu hướng làm chậm lại quá trình phát triển điện hạt nhân. Vì vậy, những tập đoàn lớn trong ngành Công nghiệp Ðiện hạt nhân cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, không thể tập trung đầu tư phát triển những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực này. Mặt khác, khi phụ thuộc quá nhiều vào các tập đoàn công nghiệp điện hạt nhân nước ngoài, chúng ta phải đối mặt với các rủi ro rất cao, từ lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng hay thay thế phụ tùng, đều liên quan trực tiếp đến sự an toàn điện hạt nhân… Ðó cũng là những thách thức rất lớn.

Thứ ba, lựa chọn điện hạt nhân liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia, đòi hỏi nguồn ngân sách rất lớn. Trong khi đó, chúng ta có những phương án thay thế điện hạt nhân bằng nhiệt điện khí chẳng hạn. Tôi cho rằng, những lựa chọn thay thế cho điện hạt nhân ở Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 21 là rất tốt. Ngoài ra, chúng ta có thể phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo trong dài hạn, trong đó có năng lượng biển, năng lượng hyđrô…

Tôi cho rằng, trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, khi tích hợp được các giải pháp này, chúng ta vẫn chưa cần nghiên cứu phát triển điện hạt nhân, tránh cho đất nước một mối lo thường trực về an toàn và an ninh khi xây dựng nguồn điện này.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 25/03/2020 05:29
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 5933