"Tài nguyên điện đang bị vắt kiệt”

“Người dân Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng còn chưa hình thành thói quen tiết kiệm điện. Bằng chứng là hiệu quả sử dụng điện năng của chúng ta luôn rất thấp và hệ số đàn hồi (tăng trưởng điện/GDP) bằng 2, có thời điểm bằng  2,5 trong khi các nước chỉ  bằng 1”.

Đó là nhận định của ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra tại “Diễn đàn Thanh niên với giải pháp tiết kiệm điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Khối Doanh nghiệp Trung ương, vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Theo ông Hưng, điện đang là một ngành phải đầu tư nguồn vốn nhiều nhất so với các ngành khác. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta lại đang quá lãng phí và dùng hết điện năng từ các nguồn rẻ như thủy điện, tiến tới chúng ta phải tính toán tới các nguồn có giá thành cao hơn, thậm chí cả nhà máy điện hạt nhân. Theo dự tính, nước ta sẽ phải nhập khẩu năng lượng điện vào năm 2015, chi phí khoảng 4,8 tỷ USD/năm.


Trong khi đó, người dân Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng còn chưa hình thành thói quen tiết kiệm điện. Bằng chứng là hiệu quả sử dụng điện năng của chúng ta luôn rất thấp và hệ số đàn hồi (tăng trưởng điện/GDP) bằng 2, có thời điểm bằng  2,5 trong khi các nước chỉ  bằng 1, ông Hưng chia sẻ.

Để chứng minh cho việc Việt Nam đang quá lãng phí điện, ông Hưng đưa ví dụ: như Đại lộ Thăng Long, mỗi đêm thắp hàng trăm bóng đèn trong khi rất ít người qua lại. Hay ngay tại ở Thành phố Hà Nội hiện nay vẫn còn có hộ gia đình sử dụng đến 30 - 40 triệu tiền điện/tháng… "Làm như vậy là chúng ta đang đốt tiền của dân khi mà chúng ta đang phải dùng tiền để mua thêm nhiên liệu..."

Với khoảng hơn 20 triệu hộ dân, mỗi hộ chỉ cần tắt một bóng điện sẽ tiết kiệm được khoảng 3 nghìn tỷ USD/tháng và nếu tắt điện vào giờ cao điểm còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn, ông Hưng chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề tiết kiệm điện, ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cũng chia sẻ, để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn nhằm đảm bảo năng lượng cho chúng ta, Bộ đã có nhiều dự án như: thiết lập mạng lưới tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc. Hiện, đã có 10 trung tâm và 30 công ty cung cấp dịch vụ tư vấn.

Ngoài ra, mô hình tiết kiệm hiệu quả trong gia đình với trên 1 triệu hộ ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn đang được đẩy mạnh và nhân rộng. Dự án dán nhãn sản phẩm tiết kiệm năng lượng: quạt điện, điều hòa, tủ lạnh, đèn compac… sẽ định hướng cho các gia đình lựa chọn khi mua sắm. Những sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao sẽ bị cấm đưa ra thị trường trong thời gian tới, ông Kim nói.

Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã quy định thời gian thực hiện từ 2006-2015 với mục tiêu tiết kiệm 3-5% tổng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2006-2010; tiết kiệm 5-8% của tổng tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn 2011-2015.

Để đạt được mục tiêu này, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã đề ra 11 đề án bao gồm: tuyên truyền nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào sách giáo khoa, triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm trong gia đình, phát triển các tiêu chuẩn và dán nhãn chứng nhận sản phẩm tiết kiệm lăng lượng cho một số sản phẩm được lựa chọn….

 


  • 08/08/2011 12:00
  • Thanh Hải - Theo Media
  • 7538