Tại sao nhiều người hay than vãn?

Nhiều người tưởng rằng than vãn giúp cảm thấy nhẹ nhõm nhưng thực tế hành động này lại gieo rắc đau khổ cho chính bản thân và người xung quanh.

Dữ liệu khảo sát của Đại học Bang Arizona năm 2023 cho thấy khách hàng Mỹ phàn nàn về sản phẩm hoặc dịch vụ cao gấp đôi so với 1976.

Mọi người cũng đang phàn nàn nhiều hơn tại nơi làm việc. Gần 1/3 người sử dụng lao động trong một cuộc khảo sát năm 2022 ở Anh đã chứng kiến sự bất bình của nhân viên gia tăng và phần lớn nhân viên tự hoặc nghe người khác phàn nàn về quản lý cấp trên ít nhất 10 giờ một tháng.

Trong cuộc sống này, bạn luôn có thể tìm thấy điều gì đó để than thở khi nhìn xung quanh. Nhưng theo các nhà tâm lý học, nếu phàn nàn theo thói quen nó có thể đang làm tổn thương bạn, hạ thấp người khác và khiến bạn trở thành một người kém hấp dẫn. Khi từ bỏ, bạn sẽ thấy cuộc sống này hạnh phúc hơn.

Than vãn là hành động bày tỏ sự không hài lòng hoặc khó chịu. Theo lý thuyết tâm lý học, đó là một quá trình khá phức tạp bao gồm ít nhất năm bước, bắt đầu bằng việc tập trung vào mong muốn của bản thân. Tiếp theo, bạn phát hiện sự khác biệt giữa điều mình muốn và thực tế đang trải qua, từ đó dẫn đến sự bất mãn. Sau đó, bạn bắt đầu muốn phàn nàn theo cách xé toạc nó ra với người xung quanh, hoặc nếu không sẽ giữ nó cho riêng mình.

Đôi khi, phàn nàn là công cụ được thiết kế để được giải quyết cho một vấn đề cụ thể, chẳng hạn như dịch vụ tệ hại hoặc hành vi khó chịu của một thành viên trong gia đình. Nó cũng có thể là "mãn tính", một trạng thái không hài lòng trong đó những người hay càu nhàu nghĩ về nỗi đau của mình và từ chối được xoa dịu.

Tuy nhiên, thông thường hơn nó chỉ đơn giản là để bày tỏ sự không hài lòng hoặc khơi gợi sự thông cảm và xây dựng một kiểu kết bè kết phái.

Mặc dù hành động này có thể mang lại sự giải tỏa tạm thời nhưng về lâu dài lại có hại. Các nhà nghiên cứu Ba Lan vào năm 2009 đã đo lường tâm trạng của mọi người trước và sau khi họ phàn nàn, từ đó liên tục phát hiện mức độ hạnh phúc thấp hơn.

Việc này cũng có thể làm giảm đi niềm vui của những người xung quanh. Chỉ cần nghe lời phàn nàn của người khác sẽ làm giảm tâm trạng của một người. Tệ hơn, trong một số mối quan hệ (chẳng hạn giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ), tác động tiêu cực có thể lan truyền như virus, khiến những người khác bày tỏ phản ứng tương tự, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh doanh.

Dưới đây là bốn cách để ngừng phàn nàn.

Đánh giá ít hơn, quan sát nhiều hơn

Về cơ bản, phàn nàn là một hành động ích kỷ. Phản ứng này hoàn toàn tự nhiên khi con người phải chịu các tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, chúng ta có thể điều chỉnh tâm trạng của mình bằng cách đánh giá ít hơn, quan sát nhiều hơn.

Ví dụ, thay vì chê bai ai đó cắt ngang bạn khi tham gia giao thông, chỉ cần quan sát xem người đó rõ ràng đang vội.

Xem xét vấn đề cơ bản

Nếu có thói quen phàn nàn kinh niên, có thể là triệu chứng của trầm cảm. Lúc này bạn cần đi gặp nhà trị liệu để xử lý vấn đề của mình. Khi giải quyết được những gì khiến mình bận tâm, bạn sẽ thấy rằng không còn nhiều vấn đề làm mình bức bối nữa.

Hãy là một người khắc kỷ

Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Hy Lạp khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, nhằm rèn luyện tinh thần con người cứng rắn và bình tĩnh hơn khi đối mặt với những nỗi đau và áp lực cuộc sống.

Khắc kỷ không có nghĩa là nghiêm khắc hay khổ hạnh. Trái lại, chủ nghĩa này cho rằng để tiến tới hạnh phúc, chúng ta cần sống hòa hợp với bản chất con người và thế giới. Vì vậy, khi bạn chuẩn bị kêu ca, hãy áp dụng bài kiểm tra khắc kỷ: Bạn có thể làm gì khác giải quyết tình huống này? Nếu không thì phàn nàn cũng chẳng ích gì. Hãy tiếp tục việc đó và đừng lãng phí thời gian để bày tỏ bức bối của mình với người khác.

Tránh những người hay than vãn

Một lý do khiến bạn có tật xấu này có thể do luôn có mối quan hệ tiêu cực, dù trực tuyến hay trực tiếp. Hãy sắp xếp cuộc sống cá nhân trong phạm vi có thể, như dừng theo dõi những người nổi tiếng hay than thở và tránh xa những đồng nghiệp có tính này.

Một ý tưởng cuối cùng để phá vỡ thói quen cằn nhằn là cam kết và nhờ người khác giúp đỡ bạn.

Link gốc


  • 09/05/2024 08:36
  • Theo vnexpress.net
  • 4447