Ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tập trung kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp; rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn, xả lũ, để tránh bị động khi thiên tai xảy ra; Huy động các nguồn lực để thực hiện lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai như: trạm đo mưa, cắm biển cảnh báo sạt lở, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có lũ,...
Hội nghị nhằm đánh giá, cũng như tìm giải pháp trong công tác PCTT trong khu vực miền Trung, Tây Nguyên
|
Đặc biệt, cần tăng cường công tác tổ chức vận hành các hồ chứa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ tính toán phục vụ ra quyết định vận hành trong mùa mưa lũ 2019.
Các chủ hồ thực hiện trang bị đầy đủ thiết bị quan trắc giám sát và thông tin cảnh báo hạ du như quy định; thực hiện nghiêm việc thông báo cho các cơ quan chức năng, chính quyền và người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ; phối hợp, hỗ trợ cơ quan thường trực cấp tỉnh trong xây dựng bản đồ, công cụ hỗ trợ phục vụ điều hành hồ đảm bảo an toàn công trình và hiệu quả nguồn nước.
“Hiện sắp vào mùa mưa bão khu vực miền Trung, do vây phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý xói lở, không để nguy cơ mất an toàn công trình khi thiên tai xảy ra. Đồng thời tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng ngừa thiên tai”, ông Trần Quang Hoài cho biết.
Hệ thống loa cảnh báo xả lũ hạ du Thủy điện Buôn Tua Srah được Công ty Thủy điện Buôn Kuốp lắp đặt
|
Theo Ban An toàn (EVN), thời gian qua, các hồ chứa thủy điện của EVN trên cả nước nói chung và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng đã thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và hạ du.
Các nhà máy phối hợp chặt chẽ, cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin theo quy định, chủ động đề xuất, tham mưu cho BCH PCTT&TKCN địa phương trong vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, thông báo tới người dân ở hạ du trước, trong và sau xả lũ hồ chứa.
Ngoài ra, các nhà máy phối hợp với các cấp chính quyền ở địa phương có liên quan kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu đập và kịp thời xử lý các vi phạm, lấn chiếm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình nhằm đảm bảo xả lũ an toàn, đồng thời ngăn ngừa và hạn chế thiệt hại cho hạ lưu khi xả lũ.
Để nâng cao tính chủ động, an toàn và hiệu quả trong vận hành hồ chứa thủy điện trong thời gian tới, Ban An toàn (EVN) đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện, phê duyệt các bản đồ ngập lụt các lưu vực sông ở miền Trung, Tây Nguyên như sông Cả, sông Đồng Nai. Trước mắt, khi chưa ban hành bản đồ ngập lụt thì có hướng dẫn các tỉnh, chủ hồ xây dựng “Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp” thực hiện cho mùa mưa lũ năm 2019.
UBND các tỉnh cần thành lập tổ tư vấn bán chuyên trách để tham mưu giúp việc cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong việc chỉ đạo vận hành điều tiết lũ đảm bảo phù hợp, hài hòa và cân đối lợi ích, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến nhân dân vùng hạ du và vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy điện.
Ngoài ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh cần tổ chức giải tỏa việc lấn chiếm bờ sông làm thu hẹp dòng chảy tự nhiên; Phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân vùng hạ du những thông tin và quy định về công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt đối với nhân dân sinh sống gần hạ lưu công trình để hạn chế thiệt hại cho nhân dân khi lũ lớn xảy ra.
Khu vực miền Trung, Tây Nguyên:
- Có 7 hệ thống sông lớn với nhiều hồ chứa trong quy trình vận hành liên hồ gồm: Sông Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn – Hà Thanh, Ba, Sê San, Srepok.
- Có khoảng trên 20 triệu dân;
- Gồm 78 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế, 1 khu công nghệ cao;
- Là khu vực đang phát triển rất sôi động về du lịch, hạ tầng đô thị,... nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức trong công tác phòng chống thiên tai
|
Huyền Thương
Share