Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng đạt 1.500 MW điện mặt trời mái nhà vào năm 2030

Phòng Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội thảo “Công nghệ năng lượng sạch Hoa Kỳ - Việt Nam – Lưu trữ năng lượng và giải pháp lưới điện”. Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cùng các công ty truyền tải và phân phối điện thuộc EVN tham dự và trình bày tham luận tại hội thảo.

Hội thảo “Công nghệ năng lượng sạch Hoa Kỳ - Việt Nam – Lưu trữ năng lượng và giải pháp lưới điện” là phiên đầu tiên trong chuỗi hội thảo về Cleantech do Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức nhằm hướng tới hợp tác Net Zero World và Đối tác Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Chương trình đầu tiên này sẽ tập trung vào những thách thức và cơ hội của Việt Nam để cải thiện độ tin cậy của lưới điện và tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Susan Burns – Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hợp tác thương mại phát triển năng lượng sạch là một trụ cột để thúc đẩy hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam.

Trình bày tham luận “Tổng quan về tình hình sử dụng năng lượng xanh tại TP. Hồ Chí Minh”, ông Phan Quang Vinh – Phó Trưởng ban Kinh doanh EVNHCMC cho biết, tính đến năm 2023, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 350 MW điện mặt trời mái nhà. Thành phố đang đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 750 MW và đến năm 2030 đạt 1.500 MW điện mặt trời mái nhà, 340 MW điện rác và khoảng 1.000 MW điện gió. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh cũng đang quan tâm đến hệ thống lưu trữ năng lượng dung lượng lớn cũng như phát triển hệ thống xe điện và trạm sạc.

Ông Phan Quang Vinh – Phó trưởng Ban Kinh doanh EVNHCMC trình bày tham luận “Tổng quan về tình hình sử dụng năng lượng xanh tại TP. Hồ Chí Minh”

Tại hội thảo, các doanh nghiệp Mỹ đã giới thiệu các tham luận về chủ đề liên quan như: “Phát triển các dự án lưu trữ năng lượng và tối ưu hóa lưới điện tại Việt Nam” của công ty Allotrope Partners; “Công nghệ lưu trữ năng lượng BESS” của công ty Honeywell; “Triển khai hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp” của công ty UL.

Liên quan đến chủ đề công nghệ và giải pháp chuyển đổi số cho ngành năng lượng, Công ty GE đã trình bày tham luận “Chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam và các giải pháp điều phối năng lượng”, giới thiệu phần mềm điều phối cho các công ty điện lực chuyển đổi sang lưới điện sạch và thực tế trong phát triển các dự án tại Hoa Kỳ và khu vực; Công ty Emerson trình bày tham luận “Giải pháp Lưới điện bền vững” giới thiệu phần mềm và công nghệ tự động hóa để điều khiển và giám sát việc phát điện và kết hợp năng lượng tái tạo vào năng lượng truyền thống, tối đa hóa hiệu quả sản xuất đến tiêu thụ điện năng".

Về chủ đề hợp tác công tư và hỗ trợ của Hoa Kỳ cho phát triển năng lượng sạch Việt Nam, Cơ quan Phát triển Hòa Kỳ (USAID) đã giới thiệu “Các hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý và nguồn tài trợ, cho các dự án lưu trữ năng lượng, lập kế hoạch truyền tải/phân phối và hiện đại hóa hệ thống năng lượng tại Việt Nam”.

Các đại biểu cũng đã thảo luận về các chủ đề của hội thảo và các giải pháp nhằm thúc đẩy đối tác công tư trong việc phát triển hệ thống năng lượng ở các tỉnh, thành phố, về các thuận lợi và khó khăn ở địa phương, nhất là về các nguồn lực cho việc chuyển đổi năng lượng.


  • 13/09/2023 05:46
  • Hồng Hải
  • 3910