Thiếu điện, Trung Quốc siết kiểm soát năng lượng

16 trong 31 tỉnh của Trung Quốc áp dụng các biện pháp siết chặt tiêu thụ điện, khiến nhiều công ty gặp khó khăn và nhiều người dân lo ngại.

Đèn đường bị tắt ở thành phố Thẩm Dương hôm 23/9.

Các tỉnh đông bắc Trung Quốc gồm Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang đang trải qua tình trạng mất điện diện rộng tại các hộ gia đình, khiến nhiều người dân than phiền trên mạng xã hội rằng điện lưới bị cắt vào giờ cao điểm mà không báo trước.

Một số đèn giao thông ở thủ phủ Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh đột ngột ngừng hoạt động hồi giữa tuần trước, gây ra tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng.

"Chính quyền địa phương phải kiểm soát tiêu thụ để tránh sụp đổ toàn mạng lưới điện. Sự sụt giảm bất ngờ của điện gió ngày 23-25/9 cùng nhiều lý do đã khiến khoảng trống trong nguồn cung điện tăng lên mức nghiêm trọng", tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời quan chức tỉnh Liêu Ninh cho biết hôm 26/9.

"Tình trạng cắt điện bất thường, không có kế hoạch và không được báo trước, cũng như giới hạn tiêu thụ năng lượng có thể kéo dài đến tháng 3/2022. Mất điện, nước sẽ trở thành điều bình thường nhằm đáp ứng yêu cầu của mạng lưới điện quốc gia và những quy định sở tại", một công ty cấp nước ở tỉnh Cát Lâm đăng thông báo trên mạng xã hội WeChat.

Thông báo này sau đó bị xóa và thay thế bằng thông cáo mềm mỏng hơn, thêm rằng thông điệp ban đầu "dùng từ ngữ không phù hợp, gây hiểu nhầm cho công chúng".

Chính quyền Quảng Đông, tỉnh có nền kinh tế lớn nhất Trung Quốc, cũng đưa ra thông báo về những sáng kiến tiết kiệm năng lượng trên toàn tỉnh, đồng thời kêu gọi các tổ chức chính phủ đi đầu bằng cách ngừng dùng thang máy ở ba tầng thấp nhất trong những tòa nhà văn phòng.

Trước đó, nhiều thành phố tại Quảng Đông cũng áp lệnh kiểm soát tiêu thụ điện ngoài giờ cao điểm, cũng như hạn chế sản xuất với nhiều ngành công nghiệp, cảnh báo những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị cắt nguồn cung điện. Giới chức Thành Viễn giữa tuần trước yêu cầu các công ty công nghiệp ngừng sử dụng điện từ 8h đến 23h hàng ngày mà không cho biết hạn chế sẽ kéo dài bao lâu.

Nhiều công ty, đặc biệt là công ty nhỏ, đã phải chuyển sang sản xuất vào ban đêm, giảm sản lượng hoặc ngừng hoạt động.

Tình trạng thiếu điện khiến Trung Quốc thường xuyên phải cắt điện ở một số khu vực hàng năm, nhưng tần suất đã tăng đáng kể từ nửa cuối năm 2020.

Giới phân tích cho rằng thiếu hụt than đá và nỗ lực cắt giảm khí phát thải của Bắc Kinh là nguyên nhân chính dẫn tới điều này, đồng thời cảnh báo những đợt gián đoạn năng lượng tiếp theo có nguy cơ làm trầm trọng lạm phát và sụt giảm sản xuất.

Link gốc


  • 29/09/2021 07:14
  • Nguồn: VnExpress.net
  • 10093