Cùng dự Lễ khởi công còn có Nguyên Phó Chủ tịch nước – Trương Mỹ Hoa; đại diện các Bộ, Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Dương Quang Thành – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, ông Trần Đình Nhân – Tổng Giám đốc Tập đoàn; các Thành viên HĐTV cùng các Phó Tổng giám đốc Tập đoàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khởi công - Ảnh: Ngọc Tuấn
|
Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Nhà máy Thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình đến nay vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu của EVN khi đầu tư xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng là để tăng khả năng khai thác công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành với công suất lớn trong thời gian qua. Đồng thời, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu, nâng cao khả năng điều tần, độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/TTg-CN ngày 11/4/2018. Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt, có 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 480MW, được xây dựng trên dòng chính sông Đà trong địa phận thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu thuộc địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập đâng, đập tràn với công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62 ha, trong đó có 69,3 ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
“EVN đã tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp chính theo đúng quy định và ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty Cổ phần Xây dựng 47, Công ty Cổ phần Lilama 10. Đây đều là những đơn vị thi công thuỷ điện có kinh nghiệm, trong đó Trường Sơn, Lilama 10 đã tham gia xây dựng và trưởng thành từ công trình Thủy điện Hòa Bình trước đây, tham gia xây dựng Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu. Tại thời điểm này, các điều kiện cần thiết để khởi công công trình đã được hoàn thành theo đúng quy định”, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của EVN trong việc tổ chức các công việc chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao và biểu dương Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường,..., đã tổ chức thẩm tra, phê duyệt, chỉ đạo để EVN hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình đúng pháp luật hiện hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả, không làm ảnh hưởng môi trường. Thủ tướng biểu dương UBND tỉnh Hòa Bình và các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, giúp đỡ EVN trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo giao thông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức nhấn nút khởi công Công trình NMTĐ Hòa Bình mở rộng - Ảnh: Huy P
|
Nhiệm vụ quan trọng của EVN là phải bảo đảm chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện phục vụ phát triển KT-XH và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho EVN ngay sau khi khởi công Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị/nhà thầu xây dựng công trình trong việc tổ chức điều hành xây dựng công trình đảm bảo an toàn, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Hoà Bình tập trung chỉ đạo các Sở; Ban, ngành, UBND thành phố Hoà Bình,..., hoàn thành toàn bộ công tác BT- GPMB trong tháng 01/2021 để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho EVN (chủ đầu tư) thi công công trình; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các nhà thầu thi công để đảm bảo an ninh trật tự; an toàn giao thông,..., trong suốt quá trình thi công để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư và xây dựng các dự án nguồn điện thuộc các Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Ô Môn và Dung Quất để các dự án này sớm được triển khai xây dựng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Lễ khởi công Công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một hành động thiết thực của EVN và các đơn vị trên công trường lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong những năm sắp tới, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra chuyển biến tích cực, tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế. Chính phủ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân, đồng thời với việc chống dịch bệnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng:
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Đại diện chủ đầu tư quản lý, điều hành Dự án: Ban QLDA Điện 1;
- Tư vấn thiết kế dự án: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1;
- Tổng mức đầu tư: 9220,83 tỷ đồng;
- Tổng công suất đặt 480MW (2x240MW);
- Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm;
- Dự kiến phát điện tổ máy 1: Quý III năm 2024;
- Dự kiến phát điện tổ máy 2 và hoàn thành công trình: quý IV năm 2024.
|
Chiến Thắng
Share