Thủy điện Sơn La - công trình mẫu về chất lượng và tiến độ

Ngày 23/12/2012, tại tỉnh Sơn La, sẽ diễn ra Lễ khánh thành công trình Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình về đích trước 3 năm so với kế hoạch, làm lợi cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây là công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, gồm 6 tổ máy, công suất lắp máy 2.400 MW, điện lượng cung cấp hành năm trên 10 tỷ kWh. Công trình Thủy điện Sơn La được đánh giá là công trình mẫu về chất lượng và tiến độ xây dựng.

Phó Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình Thủy điện Sơn La - Thái Phụng Nê khẳng định đây là một công trình kiểu mẫu về chất lượng và tiến độ

Chúng tôi đã phỏng vấn ông Thái Phụng Nê, phái viên của Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước dự án Thủy điện Sơn La, người đã gắn bó với công trường Thủy điện Sơn La từ những ngày đầu khởi động công trình.

PV: Thưa ông, trong vài ngày nữa, công trình Thủy điện Sơn La sẽ được tổ chức khánh thành sau 7 năm thi công. Là người đã gắn bó với công trình thủy điện từ những ngày đầu tiên, xin ông cho biết những nhân tố để có được thành quả như ngày hôm nay, về địch sớm 3 năm so với kế hoạch đặt ra?

Ông Thái Phụng Nê: Dự án lớn như thủy điện Sơn La, có 7 nhân tố làm nên sự kiện quan trọng này: Sự chỉ đạo sát sao có hiệu quả của Chính phủ mà trực tiếp là Ban chỉ đạo nhà nước. Sự quyết tâm bám sát công việc, làm việc quên mình của tập thể những người lao động trên công trường. Sự đóng góp hết sức tích cực của chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Cơ quan tư vấn là Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đóng vai trò tư vấn chính của dự án. Sự tự nguyện của trên 20.000 hộ dân trong vùng lòng hồ dời khỏi quê hương của mình. Sự cố gắng, sáng tạo trong công tác di dân của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Sự đóng góp của Bộ Giao thông Vận tải trong chỉ đạo các công trình giao thông tránh ngập kịp thời.

PV:  Thủy điện Sơn La được đánh giá là công trình mẫu về chất lượng và tiến độ xây dựng, vậy xin ông cho biết những điểm nổi bật ở công trình này?

Ông Thái Phụng Nê: Công trình này đã mạnh dạn đưa công nghệ xây dựng đập tiên tiến nhất trên thế giới là công nghệ đầm lăn vào áp dụng thành công ở đây. Về công tác xây dựng, chúng ta cũng đã có những tiến bộ khá lớn.

Trước đây Thủy điện Sơn La muốn xây dựng công trình này thì phải huy động 3,5 vạn cán bộ công nhân, nhưng ở đây cán bộ công nhân xây dựng và lắp máy khoảng 1 vạn người, mà tiến độ lại nhanh hơn. Điều đó cho thấy năng suất của họ rất cao, tổ chức lao động của họ rất chặt chẽ, họ đưa cơ giới vào làm việc là chính, giảm bớt lao động cơ bắp.

PV:  Công trình thủy điện Sơn La đã khẳng định những kỳ tích phi thường của tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam, họ đã làm chủ công nghệ, thiết bị, thể hiện năng lực kỹ thuật chuyên môn cao trong lĩnh vực xây dựng thủy điện. Vậy ông có ý kiến về vấn đề này thế nào?

Ông Thái Phụng Nê: Thời gian và trình độ thiết kế, xây dựng và lắp máy của Việt Nam đã tiến bộ rất xa. Về trình độ thiết kế, không những thiết kế thành công Thủy điện Sơn La mà còn sáng tạo hết sức đáng khâm phục. Trình độ lắp máy của Việt Nam thì chuẩn mực. Lực lượng cán bộ, công nhân kỹ sư rất lành nghề, lắp đặt thiết bị nhanh, chuẩn xác.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 18/12/2012 08:25
  • Theo vov.vn
  • 3120


Gửi nhận xét