Tiếp cận điện năng ở TP.HCM: Chi phí 0 đồng

Khách hàng đăng ký mua điện qua lưới điện trung áp có nhu cầu phụ tải 160 kV trở lên chỉ cần thực hiện một thủ tục duy nhất và không mất chi phí... Bước cải tiến mạnh mẽ này của Tổng công ty Điện lực TP. HCM (EVNHCMC) nhằm góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng.

Nhanh hơn, hiệu quả hơn

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho biết, năm 2017, ngoài việc giải quyết thủ tục cấp điện theo “cơ chế 1 cửa”, Tổng công ty còn phân cấp cho các công ty quyết định đầu tư cấp điện chuyên dùng, từ đó, các đơn vị chủ động đáp ứng nhanh hơn yêu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Đặc biệt, với khách hàng sử dụng điện có nhu cầu phụ tải lớn hơn 160 kVA (trừ lĩnh vực bất động sản), EVNHCMC nhận đầu tư trạm biến áp (TBA) chuyên dùng. Khách hàng chỉ cần thực hiện một thủ tục duy nhất là đăng ký cấp điện. Tổng công ty sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư TBA và thực hiện các thủ tục cần thiết với các cơ quan chức năng. Tổng thời gian thực hiện không vượt quá 13 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị của khách hàng đến khi hoàn tất nghiệm thu, đóng điện công trình. Trong khi đó, theo khảo sát của WB năm 2016, thời gian thực hiện trung bình trên toàn quốc là 46 ngày.

Trường hợp tự đầu tư TBA, khách hàng chỉ cần thực hiện 2 thủ tục là đăng ký cung cấp điện với công ty điện lực và thỏa thuận hướng tuyến, cấp phép thi công với Sở Giao thông - Vận tải (GTVT). Thời gian giải quyết các thủ tục không quá 8 ngày làm việc, trong đó ngành Điện không quá 3 ngày và các cơ quan quản lý Nhà nước không quá 5 ngày.

Trong quá trình thi công xây dựng TBA, thay vì chờ kế hoạch cắt điện, EVNHCMC ưu tiên áp dụng biện pháp thi công live-line cho việc đấu nối cấp điện, rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ vào cuối tháng 6 vừa qua, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành cho biết, chủ trương nhận đầu tư TBA cho khách hàng của EVNHCMC đã giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đầu tư hiệu quả. Và việc thực hiện miễn phí trong tiếp cận điện năng có rất ít nước thực hiện được.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổng công ty đã cấp điện cho 452 TBA chuyên dùng, với thời gian giải quyết bình quân các thủ tục của điện lực là 4,8 ngày (thấp hơn 0,2 ngày so với quy định của EVN). Trong đó, có 232 khách hàng được Tổng công ty đầu tư TBA với thời gian giải quyết bình quân là 7,21 ngày. 

EVNHCMC đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng hiệu quả

Đổi mới thủ tục hành chính

Không chỉ chủ động rút ngắn thời gian cũng như thủ tục thuộc lĩnh vực của ngành Điện, EVNHCMC còn chủ động phối hợp với các sở/ngành của Thành phố đề xuất các giải pháp đổi mới thủ tục hành chính trong tiếp cận điện năng.  

Cụ thể, Tổng công ty đã phối hợp Sở Công Thương và Sở GTVT ký Thỏa thuận liên ngành về việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ xây dựng công trình TBA chuyên dùng. Theo đó, đề xuất Sở Công Thương bỏ thủ tục thực hiện thỏa thuận phù hợp quy hoạch, chỉ bổ sung quy hoạch các công trình có tổng công suất trên 2.000 kVA chưa có trong quy hoạch được duyệt với thời gian tối đa 05 ngày, rút ngắn 5 ngày so với trước đây.

Đồng thời, Tổng công ty cũng đề xuất Sở GTVT bãi bỏ thủ tục chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công đối với công trình trung thế nổi có quy mô lắp đặt dưới 2 khoảng trụ. Riêng công trình trung thế ngầm và trung thế nổi có quy mô lắp đặt mới từ 2 trụ điện trở lên, thực hiện song song việc chấp thuận xây dựng công trình và cấp phép thi công với thời gian giải quyết không quá 5 ngày làm việc, rút ngắn 15 ngày so với trước.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, EVNHCMC đang giảm chi phí đầu tư cho khách hàng và cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng hiệu quả. Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Bảo cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường, khi thi công các công trình điện chuyên dùng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và phải được UBND quận/huyện xác nhận trong vòng 10 ngày trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Với số lượng hàng trăm công trình phải đầu tư hàng năm, quy định này làm ảnh hưởng nhiều đến thời gian thực hiện và tăng số thủ tục tại đơn vị điện lực. 

Ông Phạm Quốc Bảo cho biết: “Hiện nay, EVN đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét không áp dụng thủ tục này đối với các công trình điện chuyên dùng, bởi thực tế, các công trình quy mô nhỏ không làm phát sinh các vấn đề ô nhiễm”.  

Anh Văn Hữu Thái - Quản lý Cơ sở Ngọc Lan (chuyên sản xuất đá viên tại phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh):

“Phong cách phục vụ của ngành Điện hiện nay rất chuyên nghiệp. Tháng 2/2017, để mở rộng sản xuất kinh doanh, chúng tôi có nhu cầu lắp đặt thêm một TBA 250 kVA. Không mất nhiều thời gian như trước đây, tôi chỉ cần làm thủ tục đăng kí cấp điện, ngành Điện thực hiện từ A đến Z. Đáng nói, thủ tục đăng ký hoàn toàn miễn phí. Và chỉ chưa đầy một tuần kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ sở đã được cấp điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh”. 

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 (Doing Business 2017) của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2016:

- Tăng 9 bậc trên bảng xếp hạng so với năm 2015 

- Số thủ tục: 5  

- Thời gian thực hiện: 46 ngày (trong đó thời gian thực hiện các công việc của Điện lực là 11 ngày). 


  • 14/08/2017 11:02
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 8449