Tiết kiệm điện: Cần hành động quyết liệt, liên tục

Cần hành động quyết liệt, liên tục, nâng cao ý thức trong tiết kiệm điện, xem điện là tài nguyên quý giá của con người - đó là một trong những ý kiến được nhấn mạnh tại toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 15/5.

Tiêu thụ điện tăng mạnh, hiệu quả sử dụng năng lượng chưa cao

Chia sẻ về tình hình sử dụng điện, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong những ngày cuối tháng 4/2024 vừa qua, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. 

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia, cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia. Cụ thể, vào lúc 13h30 ngày 27/4/2024, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670MW, tăng 13,2 % so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại toàn quốc năm 2023 là 1.929MW. Đáng chú ý, đây là mức tiêu thụ kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành Điện Việt Nam.

Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 7,6 % so với ngày cao nhất của năm 2023 và cao hơn sản lượng ngày cao nhất năm 2023 là 70,1 triệu kWh. 

Các đại biểu tham dự toạ đàm “Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống” 

Có thể thấy, tuy mới bắt đầu mùa nắng nóng ở miền Bắc và trong mùa nắng nóng ở miền Trung, thế nhưng tiêu thụ điện đã liên tiếp lập đỉnh. Dự báo trong năm 2024, đặc biệt là những tháng cao điểm nắng nóng, hệ thống điện có thể tiếp tục có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện đang cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Tiêu thụ điện ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên tỉ lệ sử dụng năng lượng của nước ta lại chưa thực sự hiệu quả. Theo số liệu thống kê, cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam và các quốc gia khác có sự chênh lệch rõ rệt. Hiện nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam khoảng 376 tấn dầu quy đổi (TOE) mới tạo 1000 USD/GDP. Trong khi đó, trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 TOE; với các nước trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC) là khoảng 104 TOE. Con số này cũng cao gấp 3-4 lần các nước phát triển như Nhật Bản (90 TOE), Singapore (99 TOE).

Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam giai đoạn vừa qua tuy đã có xu hướng giảm, nhưng vẫn đang ở mức hơn 1,2 lần. Điều này chứng tỏ việc sử dụng năng lượng vẫn còn lãng phí. Tuy nhiên, từ số liệu trên, có thể thấy Việt Nam còn nhiều tiềm năng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện.

Tiết kiệm điện phải trở thành nét văn hoá 

Về phía Bộ Công Thương, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững khẳng định, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo hết sức quyết liệt, đồng bộ qua hàng loạt các văn bản chỉ đạo và gần đây nhất là Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chỉ thị 20 đã cho thấy hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tiết kiệm năng lượng. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng buộc chúng ta phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị và phải ngay lập tức hành động. 

“Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, tiết kiệm điện phải trở thành nét văn hoá đối với mỗi người dân. Chúng ta cần phải nâng cao ý thức, nhận thức xem điện là tài nguyên quý giá của con người”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng, tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đối với các quốc gia phát triển, đào tạo, giáo dục tiết kiệm điện, tài nguyên thiên nhiên được thực hiện một cách hiệu quả từ hệ thống giáo dục, trên các phương tiện giao thông, các nơi công cộng. Chúng ta cũng thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm điện không phải là câu chuyện riêng của Việt Nam mà đã trở thành câu chuyện chung của cả thế giới.

“Hiện nay, giá năng lượng của chúng ta đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ. Mặc dù nhiên liệu đầu vào được mua với giá rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới. Chúng ta có luật, nghị định, thông tư và nhiều quy định, việc triển khai các quy định tại các địa phương lại có sự khác biệt. Có những địa phương quan tâm, thực sự thúc đẩy thì việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả rất cao, nhưng có một số địa phương lại chưa thực sự thực hiện tốt vấn đề này”, chuyên gia Hà Đăng Sơn chia sẻ.

Ông Hà Đăng Sơn cũng kì vọng, thời gian tới các địa phương sẽ có những tín hiệu và hành động tích cực trong công tác tiết kiệm điện.

Cần sự chung tay của cộng đồng

Cùng với nhiệm vụ nỗ lực đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội. Trong nhiều năm qua, EVN đã tiên phong triển khai nhiều giải pháp và tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

“Hiện nay, EVN cùng các đơn vị thành viên chú trọng tuyên truyền tại các khối trường học. Chúng tôi nhận thấy, nếu làm tốt việc tuyên truyền cho các em học sinh thì sự lan tỏa sẽ có hiệu quả sâu rộng hơn và đặc biệt thông qua các em học sinh, chúng ta sẽ xây dựng được thế hệ công dân không những có ý thức tiết kiệm điện mà còn có ý thức sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo vệ môi trường, xã hội”, lãnh đạo EVN chia sẻ.

Bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ để việc tiết kiệm điện được thực hiện một cách sinh động, hiệu quả và đặc biệt là điều chỉnh hành vi sử dụng điện thông qua tăng tương tác giữa khách hàng sử dụng điện với EVN. Thông qua việc áp dụng chuyển đổi số, khách hàng sử dụng điện có thể tương tác và xem sản lượng điện của mình. Từ đó, khách hàng có thể điều chỉnh hành vi sử dụng điện phù hợp.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiết kiệm điện là giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Trước bối cảnh cung ứng điện còn nhiều khó khăn trong những tháng cao điểm nắng nóng năm 2024 cùng các nỗ lực đảm bảo điện đã và đang được triển khai, thì tiết kiệm điện vẫn được xem là giải pháp có hiệu quả cao, cần sự chung tay của toàn cộng đồng. Tiết kiệm điện phải chuyển biến thành hành động, thói quen của mỗi doanh nghiệp, mỗi công sở, mỗi cá nhân, gia đình. 


  • 15/05/2024 06:55
  • H.Linh
  • 6699