Tổng công ty Điện lực miền Bắc đẩy mạnh tự động hóa lưới điện

Tự động hóa lưới điện của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vẫn là mục tiêu còn xa. Những vướng mắc là do đâu? Để đẩy nhanh lộ trình tự động hóa lưới điện, EVNNPC cần triển khai những giải pháp nào trong thời gian tới?

Nhiều thách thức

Bà Đỗ Nguyệt Ánh - Phó Tổng giám đốc Thường trực EVNNPC cho biết, những năm qua, Tổng công ty đã xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và ứng dụng những thành tựu KHCN vào lĩnh vực quản trị, điều hành SX-KD. Qua đó, đã góp phần giảm nhân lực, tăng năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí trong kinh doanh điện năng.

Trong lĩnh vực tự động hóa lưới điện, EVNNPC đã đưa vào vận hành 11 trung tâm điều khiển xa, giám sát và điều khiển xa các thiết bị TBA 110kV và lưới điện trung thế. Từ tháng 6/2015, Tổng công ty cũng đã ứng dụng phần mềm Quản lý lưới điện theo vị trí địa lý (GIS) đến từng cấp điện lực/chi nhánh cao thế.

Mặc dù đã có bước tiến đáng kể, nhưng theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, mức độ tự động hóa của EVNNPC vẫn chưa cao. Hầu hết các TBA đã cũ, vận hành nhiều năm, thiết bị nhất thứ, nhị thứ của các TBA đã lạc hậu, lại có nhiều chủng loại khác nhau, nên không thể hỗ trợ cho giao thức điều khiển xa. Để đáp ứng yêu cầu thu thập, điều khiển, giám sát từ xa, phải khẩn trương tiến hành cải tạo, nâng cấp, thay thế phần lớn thiết bị nhất thứ và nhị thứ, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn.

Đó là chưa kể, việc cắt điện, tiến hành cải tạo thiết bị trạm cũng rất khó khăn do yêu cầu cung cấp điện liên tục và áp lực phải thực hiện các chỉ tiêu về độ tin cậy cung cấp điện. Ngoài ra, lưới điện nhiều khu vực chưa đạt tiêu chí N-1, rất nhiều TBA 110 kV khi cắt điện cải tạo đã gây mất điện cho các phụ tải; việc cải tạo, hoàn thiện, nâng cấp tín hiệu, thử nghiệm kết nối từ TBA về trung tâm điều khiển mất rất nhiều thời gian...

TBA 110 kV Yên Phong (Bắc Ninh) là trạm đầu tiên được vận hành theo mô hình không người trực (tháng 2/2017)

Để đạt mục tiêu 100% TBA được điều khiển xa…

Xác định rõ việc ứng dụng thành tựu KHCN, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất - kinh doanh điện năng, trong đó việc tự động hóa lưới điện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, EVNNPC đang triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần đẩy nhanh lộ trình này.

Mục tiêu của Tổng công ty là đến năm 2022, 100% TBA 110 kV trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ được điều khiển xa và vận hành theo mô hình TBA không người trực; từng bước triển khai số hóa toàn bộ các phần tử trong hệ thống lưới điện, góp phần nâng cao chất lượng điện năng và tăng năng suất lao động...

Để đạt được mục tiêu này, theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, năm 2019, Tổng công ty phấn đấu hoàn thành lắp đặt 16 trung tâm điều khiển xa, nâng tổng số trung tâm điều khiển xa lên 25 trung tâm. Ngoài ra, các TBA đưa vào hoạt động năm 2019 bắt buộc phải có điều khiển xa. Với những TBA đã xây dựng trước đây, Tổng công ty đang có kế hoạch cải tạo, thay thế các thiết bị, đáp ứng yêu cầu điều khiển xa và vận hành không người trực.

EVNNPC cũng đang nâng cấp phần mềm quản lý khách hàng (CRM) tích hợp, khai thác và thu thập dữ liệu từ trung tâm điều khiển xa, đo xa, phục vụ chăm sóc khách hàng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống mạng viễn thông, hoàn thiện đường truyền, hạ tầng CNTT cho các trung tâm điều khiển xa và TBA không người trực; mở rộng phần mềm Quản lý lưới điện theo địa lý đến lưới điện hạ thế.

Tổng công ty sẽ ứng dụng công nghệ Big data vào lưới điện thông minh (Smart Grid), trong đó đặc biệt chú ý đến chức năng dự báo ảnh hưởng của thời tiết đến tình hình vận hành lưới điện, tính toán vận hành hợp lý lưới điện theo biểu đồ phụ tải từng mùa, trên cơ sở dữ liệu thu thập online kết hợp với dữ liệu cũ. Nghiên cứu, xây dựng các phần mềm trợ giúp khâu sửa chữa thiết bị điện, lưới điện; xây dựng hệ thống mạng lưới điện thông minh có khả năng tự khôi phục và tự cô lập sự cố...

Tổng công ty sẽ nghiên cứu lắp các cảm biến giám sát tình hình vận hành các thiết bị (kể cả các thiết bị trung áp), trên cơ sở phân tích, dự báo, đánh giá, ứng dụng các công nghệ truyền thông để liên kết các thiết bị (IoT), nhờ đó, các thiết bị có thể tự đưa ra cảnh báo về tình hình vận hành, kế hoạch đại tu sửa chữa trong thời gian tới, tiến đến tối ưu hóa vận hành cũng như thời gian sử dụng thiết bị.


  • 15/07/2019 08:00
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý Hội nhập
  • 15156