Trong đó, tỉnh Phú Thọ là địa phương có diện tích lấy nước đổ ải được nhiều nhất, chiếm 55,34%. Tiếp đến là tỉnh Nam Định 52,94%; Ninh Bình 49,92%; Hà Nam 20,61%; Hải Dương 16,59%; Thái Bình 13,96%; Vĩnh Phúc 11,21%; Hưng Yên 2,27%.
Theo Tổng cục Thủy lợi, trong những ngày qua, dòng chảy hạ du sông Hồng cơ bản đảm bảo yêu cầu cho các hệ thống công trình thủy lợi lấy nước. Mực nước Hà Nội từ 0h đến 15h ngày 17/01/2018 đạt trung bình +2,1m, cao nhất lúc 12 giờ đạt +2,28 m.
Nhiều địa phương sau khi có nước đã xuống đồng đổ ải phục vụ gieo cấy - Ảnh: Lê Việt
|
Cũng theo Tổng cục Thủy lợi, trong các ngày 16 - 17/1, Tổng cục Thủy lợi đã đi kiểm tra tình hình lấy nước tại cống Xuân Quan thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và tình hình tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương.
Về nguồn nước tại huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) và huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), đây là những điểm bị ô nhiễm nặng trước khi lấy nước đợt 1. Sau khi có nước bổ sung từ các hồ thủy điện, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi đã thau rửa, đến nay chất lượng nước đã đảm bảo yêu cầu cung cấp cho sản xuất nông nghiệp.
Để đảm bảo công tác lấy nước đổ ải, Tổng cục đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi thường xuyên kiểm tra chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, chỉ cấp nước lên ruộng khi nguồn nước đảm bảo cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, những điểm chưa đạt thì tiếp tục thau rửa. Các Chi cục Thủy lợi cập nhật diện tích có nước trước 15 giờ hàng ngày (trong các đợt lấy nước) lên trang web: httl.com.vn để Tổng cục kịp thời kịp tổng hợp báo cáo.