Dưới chân cột điện cao vút bên bờ sông
Chúng tôi có mặt tại điểm thi công cột thép số 119 (thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3) ở xã Nam Thắng (Nam Trực, Nam Định) khi mặt trời vừa ló rạng. Khoác lên bộ quần áo bảo hộ lao động, cài quai mũ bảo hiểm, những người công nhân của Công ty Cổ phần Sông Đà 11 rảo bước ra công trường. Cột thép đã đạt độ cao khoảng 90m, vẫn còn tận 55m nữa mới hoàn thành. Đây là một trong hai vị trí cột thép vượt sông Hồng (cột còn lại là cột số 120 thuộc địa phận tỉnh Thái Bình), thuộc tuyến Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối.
Lắp dựng cột điện vị trí 119 phía bờ Nam Định và cột 120 bên kia sông Hồng thuộc đất Thái Bình.
|
Tốp công nhân được tách ra làm ba đội. Hai đội đứng dưới mặt đất, một đội vận hành máy tời, một đội làm công tác chuẩn bị vật tư trước khi buộc vào dây tời để kéo lên. Còn lại một đội khoảng 3-4 người sẽ leo qua thang ống lên cột thép để chỉnh các thanh thép vào đúng điểm nối, sau đó siết chặt bu-lông vào những bản mã thép gắn ở điểm nối để cố định các thanh thép đó. Những người làm việc ở trên cao đều được trang bị một bộ dây đai an toàn rất chắc chắn. Các đội “hiệp đồng, tác chiến” với nhau thông qua bộ đàm.
Chúng tôi thắc mắc, vì sao không có chiếc máy cẩu nào hỗ trợ công nhân đưa các thanh thép dài nặng từ 3-5 tấn lên cao? Anh Đỗ Mạnh Hùng, người có kinh nghiệm 18 năm công tác trong ngành điện giải thích, là bởi độ cao của cột thép hiện đã vượt quá giới hạn mà cần cẩu có thể vươn tới. Thay vào đó, họ sử dụng cần bích dựng trụ - còn gọi là trụ leo hay tó tam giác. Thiết bị này dài từ 18 - 20m, nặng khoảng nửa tấn, có thể được kéo lên, xuống hoặc ngả trái, phải rất linh hoạt bằng dây tời nối với máy tời dưới mặt đất. Cần bích có thể kéo các thanh thép dưới mặt đất lên qua dây tời gắn với ròng rọc (như một chiếc cần câu), hoặc đưa công nhân tới làm việc ở những vị trí máy cẩu không thể vươn tới.
Trên chiếc cần bích vừa được kéo lên độ cao 90m, tôi thấy thấp thoáng bóng một người công nhân đang mang bên mình lá cờ Tổ quốc. Anh chậm rãi leo lên, cắm lá cờ vào đỉnh chiếc cần bích rồi buộc chặt cán cờ lại. Giữa vòm trời xanh thẳm, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong gió. Hình ảnh đó chính là biểu trưng cho lòng tự hào dân tộc của những công nhân nơi đây. Họ là những con người Việt Nam đang phấn đấu ngày đêm để hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia với thời gian ngắn kỷ lục.
Công việc diễn ra nhịp nhàng và khẩn trương. Dưới đất, khoảng chục người đang lắp đai ốc vào bu lông, bỏ hết vào bao tải rồi buộc chung với các thanh thép. Xong xuôi, họ mắc dây tời vào các thanh thép ấy, rồi điều khiển máy tời nâng chúng lên vị trí cần thiết. Ở đó, đã có 3 công nhân cầm sẵn những chiếc máy siết bu lông trên tay. “Sang phải, sang phải!”, “trái đi, trái một tí!”, “siết chặt vào nhé!”, họ hô rõ những khẩu lệnh ngắn gọn vào bộ đàm.
Chẳng mấy chốc mà đã gần trưa. Đứng dưới mặt đất, tôi nhìn thấy mặt trời đang dần dần lên cao, chạm vào bóng những người công nhân đang miệt mài trên cột thép, hòa vào làm một với họ, rồi lại chầm chậm ló ra phía sau những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi.
Đưa dây qua sông bằng máy bay không người lái
Anh Nguyễn Tùng Lâm, đại diện của Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) cho biết, quãng đường kéo dây điện vượt sông Hồng bắt đầu ở cột số 118 và kết thúc ở cột số 121. Tuy nhiên, hai vị trí cột 119 và 120 là quan trọng nhất vì chúng nằm sát hai bờ sông Hồng.
Để kéo dây điện vượt sông, đầu tiên phải có máy tời để kéo dây và máy hãm để tạo độ căng cho dây, ngăn cho dây không bị chùng xuống nước. Họ treo puly (ròng rọc) lên đầu các cánh xà của hai cột 119 và 120. Puly cũng góp phần giúp dây mồi không bị chùng, rối. Sau đó, công nhân sẽ điều khiển phương tiện bay không người lái (UAV) mang theo dây điện từ bờ bên này sang bờ bên kia. Dưới mặt sông, họ bố trí thêm một chiếc bè nhỏ hoặc ca nô để theo dõi quá trình kéo, nối dây. Ngoài ra còn có thêm 6 người đi trực ở hai bên bờ sông để phát hiện các đoạn dây bị chùng, bị vướng vào cây… Các đội công nhân dùng bộ đàm liên lạc với nhau để công việc được trôi chảy. Cuối cùng là công đoạn căn độ võng, ép và treo khóa néo ở cột số 118.
Anh Hùng cho biết, để nối thành công toàn bộ 26 dây mồi từ cột 118 sang cột 121 sẽ mất khoảng 10 ngày. Vì vậy, việc thi công hai cột thép trên phải được hoàn thành trước ngày 20/6 thì mới kịp kéo dây.
Ngồi cạnh anh Ngô Xuân Mận, công nhân lớn tuổi nhất công trường, tôi hỏi đùa, các anh làm việc vất vả như vậy, có bao giờ rủ nhau ra ngoài đi ăn, đi chơi cho khuây khỏa không? “Không đâu cậu ơi. Đã làm thì làm một mạch từ đầu đến cuối. Đi ăn, đi chơi thì lấy đâu ra sức khỏe mà làm việc, lấy đâu ra tiền mà gửi về cho vợ con…”, anh Mận cười. |
“Điều các anh sợ nhất lúc này là gì?”, chúng tôi hỏi, anh Hùng đáp: “Là thời tiết”. Mùa hè năm nay, thời tiết rất thất thường, có khi đang nắng cháy thịt da, một lúc sau lại mưa trắng trời đất. Nếu trời mưa, họ buộc phải ngừng thi công vì nguy hiểm. Anh Hùng kể, một xe cẩu thi công tại vị trí cột số 120 đã từng bị sét đánh khi trời mưa. Dù tiến độ thi công có gấp đến đâu, an toàn lao động vẫn phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Công việc tuy vất vả, nhưng tinh thần anh em công nhân nhìn chung luôn hào hứng, tích cực vì nhận được sự quan tâm của nhiều đơn vị như chủ đầu tư là EVNNPT, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Tổ chức Đoàn… Những đơn vị này thường xuyên đến công trường thăm hỏi, động viên và trao quà cho các công nhân. Bên cạnh đó, họ được bố trí chỗ ở khép kín, ăn đủ 3 bữa/ngày, có nước sạch để sinh hoạt, có đầy đủ quần áo, trang bị bảo hộ lao động... Những người thường xuyên phải làm việc trên cao cũng có thêm phụ cấp.
Phía chân trời, ánh nắng đang dần tắt. Những người công nhân trở về phòng tắm rửa, ăn cơm rồi nghỉ ngơi. Có người với lấy quyển sách mở sẵn ở đầu giường chăm chú nghiền ngẫm. Có người mở điện thoại tranh thủ đọc báo, nghe tin, xem phim… Có người tranh thủ gọi điện về hỏi thăm sức khỏe gia đình, nhắc con cái phải chăm chỉ học hành, không được ngủ muộn…
Link gốc