Triển khai ngay việc kiểm tra, rà soát kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước

Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN), tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2022. Hội nghị diễn ra ngày 25/4, tại Hà Nội,

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 700 điểm cầu UBND của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp quận, huyện trên cả nước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN EVN, ông Phạm Hồng Long – Trưởng ban An toàn EVN dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, một số tồn tại trong PCTT được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ ra như: Công tác dự báo thiên tai tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các bản tin dự báo. Công tác vận hành liên hồ chứa trên các hệ thống sông, đặc biệt tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên còn những tồn tại, bất cập. Sự phối hợp, thông tin giữa các địa phương thượng nguồn với hạ nguồn, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, xã, giữa chủ hồ, đơn vị quản lý vận hành hồ với chính quyền địa phương chưa tốt. Việc thông báo, khuyến cáo cho nhân dân không kịp thời, chưa phù hợp,...

“Cũng có thực tế không chấp hành tốt các thông báo, quy trình xả lũ. Ví dụ, ngay trong mưa lũ, người dân vẫn đi đánh cá, vớt củi, hay đi qua ngầm, tràn, rất dễ xảy ra tai nạn. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021 đều là do tai nạn, bị lũ cuốn trôi”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, có khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan trên phạm vi toàn quốc.

Trước hình thái thời tiết như trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Có thể nói, chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa.

Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố. Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật về phòng chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn và các Nghị định của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống thiên tai.

Năm 2021, thiên tai không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, làm 108 người chết, mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó). Những tháng đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, dị thường, điển hình như đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ ngày 19 - 24/02/2022 tại các tỉnh miền Bắc; đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn từ ngày 30/3-02/4 tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hoà. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay ước tính lên tới 2.400 tỷ đồng.


  • 25/04/2022 05:00
  • Chiến Thắng
  • 3796