Triển khai thị trường điện: Vẫn còn nhiều thách thức

Xác định phát triển thị trường điện là con đường đi tất yếu, tuy nhiên để có thể hiện thực hóa được mục tiêu lớn này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức - Đó là nhận định của ông Antonio Castellano đến từ Công ty tư vấn McKinsey.

Tại buổi làm việc với EVN ngày 16/6/2014, các chuyên gia tư vấn của McKinsey & Company đã tập trung phân tích, nhận định các thời cơ và thách thức đối với ngành Điện Việt Nam khi triển khai thị trường điện và tái cơ cấu.

Đảm bảo an ninh năng lượng là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường điện  - Ảnh: VLong

Theo ông Antonio Castellano, việc Chính phủ Việt Nam lựa chọn phát triển thị trường điện và xem đó là cách thức để phát triển ngành Điện một cách bền vững là hoàn toàn phù hợp với xu thế quốc tế hiện nay. Ngoại trừ một số nước chậm phát triển, hầu hết ngành điện các nước trên thế giới đã vận hành theo cơ chế thị trường.

Trong đó, rất nhiều quốc gia đã có sự tham gia sâu của thành phần tư nhân vào tất cả các khâu, từ sản xuất đến bán buôn, bán lẻ điện. Tại Châu Á, điển hình nhất là Sinhgapore, 100% các doanh nghiệp trong ngành điện nước này đều đã được cổ phần hóa và hoạt động rất hiệu quả.

Tuy nhiên, do đặc thù của các quốc gia khác nhau, nhu cầu sử dụng điện cũng như các tác động khách quan khác nhau nên “Việt Nam không thể nhập khẩu nguyên một mô hình nào đó – để áp dụng hoàn toàn cho mình” - Ông Antonio Castellano khẳng định.

Đối với EVN, thị trường phát điện cạnh tranh đã được vận hành thuận lợi hơn 1 năm qua chính là nền tảng quan trọng cho việc triển khai thị trường bán buôn cạnh tranh và các bước tiếp theo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của McKinsey & Company cũng chỉ rõ, việc chuyển từ phát điện cạnh tranh lên bán buôn, và xa hơn là bán lẻ cạnh tranh theo cơ chế thị trường sẽ không hề đơn giản. Rất nhiều thách thức, rủi ro “chờ đợi” EVN ở phía trước. Trong đó, đáng chú ý nhất là các thách thức về an ninh cung ứng điện, tính bền vững tài chính tổng thể của ngành Điện, tính bền vững của môi trường và sự phù hợp (về giá điện) khả năng chi trả và hiệu suất thị trường...

Theo phân tích của chuyên gia Michele Pani - phụ trách khối châu Á của McKinsey & Company, thì việc triển khai thị trường điện cũng như tái cơ cấu toàn diện mà EVN đang hướng tới, cần phải hài hòa được các mục đích như: Đảm bảo cân bằng hệ thống giữa trợ giá, giá bán, lợi nhuận cho nhà đầu tư, khả năng huy động vốn của các công ty phát điện và phân phối điện.

Nói cách khác, phát triển thị trường điện cần hướng tới mục đích trả lời được các câu hỏi quan trọng như: Giá điện mới (sau khi thực hiện thị trường hoàn chỉnh) có vừa với túi tiền người tiêu dùng hay không? Ngành Điện có hoạt động hiệu quả (có mức chi phí cạnh tranh) không? Giá điện mới có đủ để đảm bảo sự bền vững tài chính cho EVN và để thu hút nhà đầu tư tư nhân hay không?

Tất nhiên, đây là những vấn đề vĩ mô và không thể thực hiện một cách vội vàng, nhanh chóng. Các chuyên gia khuyến cáo, EVN nên thận trọng tiến hành từng bước để đảm bảo thành công khi triển khai thị trường điện cũng như tái cơ cấu. “Tránh trường hợp như Philipnies đã chuyển đổi thị trường quá nhanh, gây ra những gián đoạn lớn trong hệ thống” – ông Michele Pani nhấn mạnh.

 

 


  • 18/06/2014 02:34
  • Vĩnh Long
  • 7037


Gửi nhận xét