Nhưng, cũng có ý kiến không đồng thuận, cho rằng, nhiệt điện than không phải là giải pháp phù hợp cho Việt Nam,… Để giải đáp vấn đề dư luận quan tâm, PV đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long (Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam).
PV: Thưa GS, trong buổi họp báo chuyên đề “Dừng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiên đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng với công suất lớn. Trong bối cảnh hiện tại và tương lai gần của Việt Nam, Giáo sư nhận định về vấn đề này như thế nào?
GS Trần Đình Long: Tôi cho rằng, việc Chính phủ chủ trương tạm dừng xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận trong thời gian trước mắt là hợp lý. Nhưng để thay thế điện hạt nhân bằng nguồn điện nào? Có thể nói, Việt Nam chỉ trông chờ vào nhiệt điện than.
Theo tôi, việc đầu tư xây dựng khoảng 4.000 MW nhiệt điện than thay cho điện hạt nhân, về tài chính thì không có vấn đề gì lớn, chúng ta có thể đáp ứng được. Nhưng kèm theo vấn đề cả thế giới quan tâm, đó là về môi trường. Để xử lý về môi trường của các nhà máy nhiệt điện than, thì có nhiều cách, nhưng tựu trung lại thì cách nào cũng phải tăng vốn đầu tư. Quan trọng là đầu tư cho xử lý môi trường ở trình độ công nghệ nào? Bởi vì, công nghệ xử lý càng cao thì suất đầu tư càng cao. Có khi từ vài phần trăm đến hàng chục phần trăm so với tổng vốn đầu tư.
Chúng ta cần lưu ý rằng, điều kiện xây dựng nhiệt điện than cũng cần phải tính toán hợp lý. Cần xem xét địa điểm nào thì có thể xây dựng nhà máy nhiệt điện than? Theo tôi, đó là những vị trí có nguồn nước, thuận tiện cho việc vận chuyển nhiên liệu đầu vào. Hiện tại, ở nước ta, các nhà máy nhiệt điện than xây dựng ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam đều tận dụng được khả năng nguồn nước, cảng biển, nên vấn đề xây dựng nhà máy nhiệt điện than không phải bàn nhiều. Bên cạnh đó, chúng ta phải tính toán về hệ thống truyền tải điện từ nhà máy đến các phụ tải phải gần nhất, hiệu quả nhất.
PV: Theo dự báo, trong những năm sau 2020, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, do chúng ta thiếu hụt nguồn điện hạt nhân, tiềm năng thủy điện hiện đã khai thác gần như tối đa, nguồn điện gió, điện mặt trời tiến triển chậm, nhưng dù phát triển ở quy mô lớn thì năng lượng tái tạo cũng không thể chạy nền thay thế, phụ thuộc vào thiên nhiên, vận hành phức tạp… Xin GS phân tích rõ thêm về những nhận định trên?
GS Trần Đình Long: Hiện thế giới rất quan tâm đến năng lượng tái tạo. Họ tham vọng về năng lượng tái tạo để thay thế các ngồn điện hiện có như: Điện hạt nhân, nhiệt điện than… Ở Việt Nam, chúng ta cũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, xây dựng nguồn điện tái tạo không phải là dễ dàng. Ngoài việc suất đầu tư cao hơn nhiều so với nhiệt điện than, năng lượng tái tạo như gió, mặt trời,… không phải lúc nào, nơi nào cũng có đủ điều kiện để xây dựng nhà máy được. Hơn nữa, nó phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và công tác quản lý, vận hành cũng phức tạp, do đó nó không thể cung cấp điện ổn định cho hệ thống.
Ví dụ, phát triển 1.000 MW điện gió, mặt trời, khi những nhà máy này không đủ yếu tố gió, mặt trời để vận hành, thì lấy nguồn đâu để bổ sung cho hệ thống điện quốc gia. Mà chuyện thừa - thiếu gió, thiếu ánh sáng mặt trời chắc chắn sẽ xảy ra trong điều kiện thời tiết khí hậu đã và đang có vấn đề như hiện nay.
Còn thủy điện thì chúng ta đã khai thác gần như cạn kiệt, chỉ còn một số ít thủy điện nhỏ, rất nhỏ (cỡ vài MW). Nó cũng không thể đảm bảo điện khi thủy điện chỉ giữ tỉ lệ khiêm tốn trong tổng cơ cấu nguồn điện quốc gia.
PV: Có ý kiến lại cho rằng "Điện than không phải là giải pháp phù hợp", tác động đến môi trường, mất tự chủ về kinh tế, khi chúng ta phải nhập than với số lượng lớn. Xin GS cho ý kiến về vấn đề này?
GS Trần Đình Long: Ngày nay, công nghệ xử lý môi trường nhiệt điện than đã đạt đến trình độ rất cao. Trong tương lai, công nghệ xử lý môi trường của nhiệt điện than chắc chắn sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Than được xử lý ngay từ khi mới nhập vào kho của nhà máy. Bụi than, lưu huỳnh… được xử lý trước khi lên băng chuyền vào lò đốt. Các hệ thống lọc bụi, lọc khí đều đạt ở trình công nghệ rất cao (gần 100%). Loại lò thông số siêu tới hạn, lò tầng sôi kéo dài thời gian đốt, đốt kiệt than, tro xỉ cũng có rất nhiều công nghệ cao, không gây tác hại ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện tại, mọi người có thể đến thăm các nhà máy nhiệt điện than, sẽ thấy những nhà máy rất đảm bảo về môi trường, những nhà máy xanh - sạch - đẹp đang hiện hữu trên đất nước chúng ta. Đến đó, chúng ta không có cảm giác là nhà máy gây ảnh hưởng đến môi trường. Ai đã đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhiệt điện Duyên Hải, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Vĩnh Tân… sẽ thấy rõ điều này.
Chính vì vậy, việc phát triển nhiệt điện than vẫn rất cần trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nhiệt điện than phát triển, chúng ta cần quan tâm đến việc xử lý môi trường tốt hơn nữa. Mặc dù, đầu tư cho môi trường trong xây dựng, vận hành nhiệt điện than là cao, là tốn kém, có thể ảnh hưởng đến giá điện. Nhưng nhiệt điện than chủ động được trong việc đảm bảo nguồn cho hệ thống. Do đó chúng ta nên chấp nhận việc phát triển nhiệt điện than trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần.
PV: Xin GS cho biết quan điểm của mình về chiến lược phát triển các dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh) đã được Thủ tướng phê duyệt? Theo Giáo sư chúng ta cần những cơ chế, chính sách nào để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện than trong thời gian sắp tới?
GS Trần Đình Long: Về chiến lược phát triển nhiệt nhiệt than cần lưu ý đến cân bằng nguồn trên phạm vi cả nước để xây dựng nhà máy. Có thể xây dựng nhà máy nhiệt điện than đồng đều trên các vùng miền. Xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở đâu thì cũng cần các yếu tố như trên đã nói, đó là nguồn nước, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy, cự ly các phụ tải… Cùng với đó là nguồn nhiên liệu lấy ở đâu cho thuận tiện. Nhà nước cũng cần có những ký kết dài hạn về nhập khẩu than ở các nước như: Úc, Indonesia, hoặc là Trung Quốc…
Vì không có cách nào khác về thay thế nguồn, nên chúng ta vẫn phải xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Do đó, Nhà nước cần có những giải pháp tốt về đầu tư, cơ chế giá thành xây dựng, để hạn chế thấp nhất tác động xấu đến môi trường.
Đi đôi với phát triển nhiệt điện than, Nhà nước cũng cần phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời… Mặc dù, hiện nay, để cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện, thì năng lượng tái tạo chưa thể cạnh tranh được. Do vậy, muốn phát triển được năng lượng tái tạo thì cũng cần đến cơ chế hợp lý cho dạng năng lượng này, như: Cơ chế đấu nối với hệ thống nguồn, cơ chế giá điện hợp lý, cơ chế về giải phóng mặt bằng… thì các nhà máy năng lượng tái tạo mới hoạt động được.
PV: Giáo sư đánh giá thế nào về tình hình phát triển nhiệt điện than trên thế giới trong thời gian qua và chính sách an ninh năng lượng, phát triển nhiệt điện than tại các quốc gia khu vực châu Á trong tương lai tới?
GS Trần Đình Long: Không riêng ở Việt Nam, trên thế giới, nhiệt điện than vẫn chiếm xấp xỉ một nửa tổng nguồn (40% - 50%). Có một số nước tỉ lệ này còn cao hơn 50%. Nhiều nước phát triển nhiệt điện than, được xem như là nguồn điện cơ bản của họ. Đối với Việt Nam, nhiệt điện than hiện đang chiếm khoảng 40%, trong thời gian tới, có thể sẽ tăng lên. Đặc biệt, điện hạt nhân không phát triển thì tỉ lệ nhiệt điện than có thể sẽ cao hơn nữa.
Về môi trường, trên thế giới, sự ảnh hưởng của nhiệt điện than vẫn là bài toán nan giải, nhất là Trung Quốc. Nước này sử dụng nhiều than nhất thế giới, ngoài việc dùng than cho các nhà máy điện, họ còn dùng than vào các việc khác như: nấu nướng, sưởi ấm bằng những lò đốt thủ công… Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, cũng một phần do các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ đã cũ kỹ, lạc hậu.
Ngay ở châu Âu, cũng chỉ một số nước có nguồn thủy điện lớn, hay là nước Pháp họ có nguồn điện hạt nhân dồi dào (80% điện hạt nhân), thì nhiệt điện than của họ chiếm tỉ lệ thấp, còn đa số các nước, tỉ lệ nhiệt điện than vẫn cao trong cơ cấu nguồn.
Đối với các nước khu vực châu Á, theo xu thế, điện than cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nó phụ thuộc vào điều kiện của mỗi nước và tăng nhiều hay ít. Trừ một số nước phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Trung Quốc… họ sẽ thay thế các dạng nguồn năng lượng khác bằng điện hạt nhân. Những nước còn lại, ít có điều kiện phát triển điện hạt nhân. Chính vì vậy, tại khu vực châu Á, các nước này vẫn phải phát triển nhiệt điện than.
Dự tính, lượng than trên thế giới sẽ được khai thác, còn dùng được khoảng vài trăm năm. Điều này nói lên rằng, người ta vẫn cần và phải dùng đến than. Song, dùng như thế nào, với công nghệ gì thì các nhà khoa học vẫn đang hướng tới để việc sử dụng than không còn lo ô nhiễm môi trường, trong đó có nhiệt điện than.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!
Theo Infonet.vn
Share