Trung Quốc đã cam kết từ nay đến năm 2060 đưa mức phát thải ròng các-bon về 0. Để đạt mục tiêu ấy, Chính phủ nước này đang thực hiện chuyển đổi năng lượng quy mô lớn, theo hướng gia tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo.
Ảnh minh họa
|
Một trong những công trình quan trọng góp phần hiện thực hóa quá trình trên là nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ mới, giúp đảm bảo sản xuất điện liên tục ngay cả vào ban đêm khi không có mặt trời. Nhà máy này được xây dựng trong một Tổ hợp năng lượng, dự kiến sẽ chính thức được vận hành vào cuối năm 2024. Tổ hợp năng lượng ước tính sẽ góp phần giảm 1,53 triệu tấn các-bon phát thải mỗi năm.
Dự án điện mặt trời trên do Tổng công ty CTG triển khai xây dựng tại tỉnh Cam Túc Trung Quốc, gồm có hai tháp hội tụ, chiều cao mỗi tháp 200m với 30.000 tấm pin năng lượng được lắp đặt xung quanh. Các tấm pin được lắp thành những vòng tròn đồng tâm trên tổng diện tích xấp xỉ 800.000 m2. Những tấm pin này tập trung năng lượng vào 2 tháp hội tụ, tùy theo vị trí và hướng thay đổi của mặt trời trong ngày, góp phần tăng thêm hiệu quả cho dự án.
Điều đáng đề cập là nhà máy điện có thể hoạt động 24/24 giờ, bất kể ngày hay đêm. Đây là sự khác biệt với các dự án điện mặt trời cùng loại cho đến nay. Để có thể duy trì vận hành phát điện vào ban đêm là nhờ vào năng lượng được lưu trữ trong muối nóng chảy tại các tháp hội tụ, giúp lưu lại nguồn nhiệt thu được vào ban ngày để tiếp tục sử dụng cho các mô tơ phát điện khi không có mặt trời, đảm bảo hoạt động liên tục của nhà máy.
Công nghệ được sử dụng trong dự án này hoạt động theo nguyên lý của pin giữ nhiệt, có thể đảm bảo cho các tua-bin chạy liên tục cả ngày và đêm. Đây được cho là dự án điện mặt trời đầu tiên trên thế giới sở hữu hai tháp hội tụ. Dự kiến nhà máy sẽ đóng góp sản lượng khoảng 1,8 tỷ kWh mỗi năm cho Trung Quốc.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo nói chung, trong những năm gần đây Trung Quốc đạt được những thành tựu nổi bật, trở thành nhà cung ứng quan trọng về thiết bị điện gió, điện mặt trời trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia này đã triển khai nhanh chóng nhiều dự án có quy mô và công suất lớn, được thiết kế và xây dựng nhằm ứng phó với các điều kiện thời tiết cực đoan.
Cho đến nay, chưa có đánh giá đầy đủ về hiệu quả sử dụng và vận hành của các dự án năng lượng tái tạo đã được lắp đặt. Tuy nhiên, đây là những nỗ lực của Trung Quốc trong việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời hướng tới phát triển nền năng lượng xanh, sạch, bền vững hơn.
Link gốc