Ứng dụng công nghệ trong chiếu sáng để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị là giải pháp tối ưu cho sử dụng năng lượng tiết kiệm, giảm thải, phát triển bền vững.

Sáng 20/4, tại thành phố Đà Nẵng, Hội Chiếu sáng Việt Nam phối hợp với Cục Hạ tầng Kỹ thuật – Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Khoa học Chiếu sáng toàn quốc năm 2023 với chủ đề: “Chiếu sáng Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới”.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Đặng Anh Thư – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.

Các chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai, trong đó, lĩnh vực chiếu sáng đô thị đã và đang có sự thay đổi, phát triển, gắn với chuyển đổi số, chiếu sáng thông minh. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới trong quản lý, vận hành áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đã hiểu được lợi ích của sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả như sử dụng công nghệ chiếu sáng Led.

“Ứng dụng công nghệ mới trong phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị chính là xu hướng và là giải pháp tối ưu cho tiết kiệm năng lượng; giảm thải, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, giảm tác động đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững”, bà Thư nói và cho biết, hội thảo sẽ là dịp để cùng thảo luận những cơ hội, thách thức khi ứng dụng công nghệ mới trong ngành công nghiệp chiếu sáng cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển mới, giải pháp ứng dụng công nghệ mới và kinh nghiệm quốc tế để tiếp tục phát triển ngành chiếu sáng Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Tuấn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương triển khai lập, phê duyệt quy hoạch về chiều sáng đô thị. Trong đó, đặt mục tiêu chiếu sáng đô thị phải đảm bảo chiếu sáng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tạo cảnh quan và lồng ghép với ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện, đã có 35% điểm đèn trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã sử dụng đèn Led. Đến năm 2025, hoàn thành thay thế hệ thống đèn công nghệ cũ sang đèn công nghệ mới, hiệu suất cao, tiết kiệm điện. "Xây dựng đô thị thông minh trong đó có chiếu sáng thông minh là một trong những nhiệm vụ được đặt ra đối với quán trình phát triển đô thị, đây là mục tiêu mà đô thị Đà Nẵng đang hướng đến", ông Tuấn thông tin.

Theo ông Tuấn, cùng với đô thị hóa, ô nhiễm ánh sáng như lạm dụng ánh sáng thiếu kiểm soát, ánh sáng trang trí quá mức…đang gây lãng phí điện năng, nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng đô thị tại Việt Nam hiện phần lớn còn dùng công nghệ cũ. Trong khi nếu sử dụng công nghệ tiên tiến có thể tiết kiệm tới 60% năng lượng tiêu thụ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quôc tế tập trung thảo luận các vấn đề của chiếu sáng Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới gồm đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chiếu sáng thông minh; chiếu sáng thông minh tiết kiệm năng lượng; chiếu sáng vì sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng 0; chiếu sáng phục vụ phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị.

Link gốc

 


  • 21/04/2023 11:29
  • Theo https://congthuong.vn/
  • 3905