Vì sao Pháp dẫn đầu thế giới về tiết kiệm năng lượng?

Năm 2022, Pháp được mệnh danh là quốc gia tiết kiệm năng lượng nhất thế giới, đạt số điểm 74,5. Vương quốc Anh theo sát với số điểm 72,5, trong khi Hà Lan, Đức và Italy cũng bảo đảm vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng hiệu quả năng lượng toàn cầu. Thành tựu đáng chú ý của Pháp là kết quả của cách tiếp cận nhiều mặt, bao gồm các sáng kiến, khuyến khích của Chính phủ và cam kết giảm tiêu thụ năng lượng cùng nhiều biện pháp đa dạng khác.

Cam kết tài chính mạnh mẽ và mục tiêu khí hậu

Nỗ lực của Pháp cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả được thể hiện rõ ràng qua cam kết tài chính đáng kể của nước này. Chính phủ đã dành 787 triệu USD để hỗ trợ người dân giảm mức tiêu thụ năng lượng trong hộ gia đình của họ. Các chương trình miễn thuế và cho vay tiếp tục khuyến khích các cá nhân đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn như hệ thống cách nhiệt và năng lượng tái tạo.

Để thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng, chính phủ Pháp áp dụng thuế tiêu thụ điện và khí đốt tự nhiên, khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hơn nữa, Pháp, giống như các nước hàng đầu châu Âu khác, phát triển các kế hoạch sâu rộng để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của mình. Pháp đặt mục tiêu đầy tham vọng là trung hòa hoàn toàn carbon vào năm 2050. Tương tự, Vương quốc Anh đang nỗ lực đạt được 100% điện sạch vào năm 2035 và Hà Lan đang đặt mục tiêu giảm 49% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030, với mục tiêu dài hạn là giảm 95% vào năm 2050. Đức thậm chí còn đặt mục tiêu hướng tới trung hòa carbon vào năm 2045, trước 5 năm so với mục tiêu của Liên minh châu Âu.

Sobriété Enégetique - trụ cột của chính sách năng lượng

Tháng 10.2022, Pháp công bố Kế hoạch Sobriété Enégetique (Sự tỉnh táo trong sử dụng năng lượng), với mục tiêu giảm mức tiêu thụ năng lượng bằng cách thay đổi hành vi của các cá nhân và tổ chức (ví dụ: ít sử dụng ô tô hơn, cách nhiệt các tòa nhà bằng vật liệu có nguồn gốc sinh học...). Kế hoạch này gồm 4 trụ cột:

Sự tỉnh táo trong lựa chọn phương tiện: Mục đích là sử dụng thiết bị hoặc phương tiện có công suất phù hợp với nhu cầu thực tế. Ví dụ: điều chỉnh công suất của các phương thức vận tải phù hợp với khoảng cách di chuyển và số lượng người dùng vận chuyển.

Sự tỉnh táo trong cấu trúc: tối ưu hóa việc tổ chức diện tích bằng cách hợp lý hóa việc sử dụng không gian. Ví dụ, khuyến khích cải tạo nhà ở ở trung tâm thành phố thay vì tạo ra các phân khu ở ngoại ô, hay thậm chí phát triển mạng lưới giao thông công cộng và đường dành cho xe đạp...

Sự tỉnh táo khi sử dụng: Bao gồm việc sử dụng hợp lý các thiết bị. Những hành động đơn giản, chẳng hạn như tắt đèn công cộng vào ban đêm và hạn chế tốc độ trên một số tuyến đường, có thể giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải gây ô nhiễm...

Sự tỉnh táo "thân thiện": Chẳng hạn khuyến khích người dân làm việc chung (giảm bớt dùng đèn chiếu sáng) hoặc đi chung xe cho các chuyến đi hàng ngày.

Pháp cũng đặt mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng vào năm 2024 bằng các biện pháp chính như giảm hệ thống sưởi trong văn phòng và tắt đèn cửa hàng vào ban đêm. Kế hoạch này cũng bao gồm các biện pháp cụ thể cho từng lĩnh vực trong số 9 lĩnh vực kinh tế và xã hội được nhắm tới: nhà nước, công ty và tổ chức lao động, cơ sở mở cửa cho công chúng và siêu thị, công nghiệp, nhà ở, giao thông, kỹ thuật số và viễn thông, thể thao và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kế hoạch cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng của Pháp đến năm 2024 dựa trên các biện pháp tự nguyện, chứ không phải luật ràng buộc về mặt pháp lý.

Đây là lý do tại sao việc tiết kiệm năng lượng là trụ cột trong quá trình chuyển đổi sinh thái, bởi vì nó giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các thói quen tốt hơn phù hợp với mục tiêu điều kiện khí hậu do chính phủ đặt ra.

Lãnh đạo truyền cảm hứng về tấm gương tiết kiệm năng lượng

Để truyền cảm hứng cho người dân thực hiện tiết kiệm năng lượng, các chính trị gia Pháp, bao gồm Tổng thống Emmanuel Macron và Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire, đã mặc quần áo dày hơn trong các tòa nhà chính phủ để giảm chi phí sưởi ấm. Các tòa nhà chính phủ, chiếm 1/3 tổng số tòa nhà trong nước, tiêu thụ năng lượng gần tương đương với đô thị Paris. Pháp đã cắt giảm lượng nước nóng trong các tòa nhà công cộng và hạn chế sưởi ấm ở mức 19°C (66°F). Các quan chức được khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giảm tốc độ trên đường cao tốc ở mức 110 km/h để tiết kiệm “20% nhiên liệu mỗi chuyến đi”. Làm việc tại nhà cũng được khuyến khích để tiết kiệm chi phí đi lại và “tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà” với các khoản hoàn trả cho các công chức nhà nước chọn không đến văn phòng, tăng từ 2,50 euro mỗi ngày lên 2,88 euro mỗi ngày.

Công chúng Pháp được khuyến khích áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng thông thường, chẳng hạn như duy trì nhiệt độ sưởi ấm ở mức tối đa 19°C - ngang mức giới hạn chính thức cho các tòa nhà công cộng. Ngoài ra, các cá nhân sẽ được khuyến khích thực hiện “hành vi sinh thái”, từ việc giảm thời gian tắm cho đến tắt các thiết bị gia dụng khi ở chế độ chờ quá lâu. Một cuộc khảo sát về khí hậu năm ngoái của Ngân hàng Đầu tư châu Âu chỉ ra rằng 47% người dân ở Pháp sẵn sàng áp dụng thay đổi đặc biệt này. Cuộc khảo sát cũng tiết lộ, 1/5 số người được hỏi không đủ khả năng sưởi ấm ngôi nhà của họ đúng cách, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Pháp cũng thực hiện nhiều biện pháp khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả. Một số nhà cung cấp năng lượng sẽ thưởng cho các hộ gia đình giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ bằng cách giảm giá hóa đơn gas và điện. Ngoài ra, những cá nhân đăng ký nền tảng đi chung xe từ tháng 1.2023 có thể nhận được khoảng 100 euro tiền thưởng cho việc giảm mức sử dụng nhiên liệu. Để hỗ trợ tiết kiệm năng lượng lâu dài, Chính phủ còn cung cấp 9.000 euro cho các hộ gia đình sẵn sàng chuyển từ lò hơi gas sang máy bơm nhiệt để cắt giảm hóa đơn năng lượng về lâu dài.

Mặc dù những nỗ lực tiết kiệm năng lượng của Pháp rất đáng khen ngợi nhưng theo nhiều nhà phân tích, chúng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc thiếu các biện pháp ràng buộc đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của kế hoạch. Để đạt được các mục tiêu đầy hoài bão nói trên đòi hỏi phải có sự thay đổi đáng kể trong thói quen tiêu thụ năng lượng. Quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo của Pháp là thách thức khác, đòi hỏi mức sử dụng năng lượng tái tạo phải tăng gấp ba lần vào năm 2035.

Link gốc


  • 20/10/2023 02:27
  • Theodaibieunhandan.vn
  • 3667