Phóng viên (PV): So với cùng kỳ năm ngoái, mức sử dụng điện năm nay (các tháng 3, 4, 5, 6) trên địa bàn TPHCM có sự thay đổi như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi: Từ tháng 3/2018, TPHCM đã bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ trung bình nhiều ngày ở TPHCM từ 38 - 39 độ C, có thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao.
Cụ thể, sản lượng điện 6 tháng đầu năm 2018 tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, từ tháng 3/2018, sản lượng bắt đầu tăng dần từ trên 70 triệu kWh/ngày đến hơn 80 triệu kWh/ngày trong tháng 4 và đạt đỉnh điểm khoảng 81 triệu kWh vào ngày 18.5/2018 và sang tháng 6/2018, sản lượng điện vẫn chưa có xu hướng thuyên giảm nhiều.
PV: Người dân thắc mắc tiền điện tháng 5, 6 tăng đột biến, điều này có thể vì những nguyên nhân gì?
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi: Theo thống kê, riêng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt bình quân trong các tháng 3, 4, 5, 6/2018 tăng hơn 10% so với các tháng trước, đặc biệt ở một số hộ còn tăng cao đến hơn 30%. Phân tích chi tiết hơn, EVNHCMC nhận thấy số hộ sử dụng 400 kWh/tháng trở lên, từ tháng 4/2018 tăng mạnh hơn so với các tháng trước đó.
Cụ thể, trong tháng 3/2018, chỉ khoảng 385.000 hộ có mức tiêu thụ từ 400 kWh/tháng thì đến các tháng 4, 5, 6/2018, số lượng này vào khoảng 600.000 hộ/tháng; trong đó, tháng 5/2018 cao nhất với 617.000 hộ. Như vậy, số hộ dùng điện ở mức bậc thang 5 và 6 nhiều như thế sẽ làm tăng cao giá điện so với các tháng trước.
PV: Công nhân ghi điện có thể dời ngày ghi trễ vài ngày, khiến tổng mức tiêu thụ tăng lên, tiền điện cũng sẽ tăng do vượt bậc thang, hoặc bớt tháng trước đó dồn số vào tháng sau, cũng làm tăng giá điện?
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi: Trên địa bàn TPHCM thực hiện ghi điện thống nhất theo lịch của EVNHCMC. Lịch này được đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, trên website của EVNHCMC và thông qua các ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVNHCMC.
Ngày ghi điện của EVNHCMC thông thường không thay đổi, một số ít trường hợp có thay đổi trước hoặc sau 1 ngày, trừ trường hợp bất khả kháng (theo Điều 17, Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ). Tuy nhiên, trong trường hợp có thay đổi, EVNHCMC đều thông báo đến khách hàng thông qua việc phổ biến lịch ghi điện hàng tháng.
Ngoài ra, EVNHCMC cũng ban hành các quy trình, quy định yêu cầu các công ty điện lực trực thuộc phải ghi điện đúng ngày thông báo; thời gian ghi điện, thu tiền điện đều được EVNHCMC giám sát chặt chẽ để bảo đảm không sai sót, ảnh hưởng đến hóa đơn tiêu thụ hàng tháng của khách hàng sử dụng điện.
EVNHCMC khẳng định, khả năng nhân viên ghi nhầm số điện rất khó xảy ra, vì EVNHCMC kiểm tra rất chặt chẽ và khi khách hàng có thắc mắc sẽ tiến hành xử lý ngay, không để xảy ra sai sót. Qua đây, EVNHCMC đề nghị quý khách hàng, người dân, nếu thấy có gì không bình thường trong quá trình sử sụng điện, có thể gọi ngay đến Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVNHCMC qua số điện thoại 1900545454 để được tư vấn, chăm sóc tốt nhất, EVNHCMC cam kết giải quyết những thắc mắc của người dân ngay trong ngày.
Bên cạnh đó, để tránh lãng phí tiền điện, EVNHCMC đề nghị người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, người dân cũng cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện.
PV: Đồng hồ điện tử có đảm bảo chất lượng không, thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi: Trước khi đưa vào sử dụng, công tơ điện tử đều được thông qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo hoạt động chính xác theo tiêu chuẩn của thế giới (IEC) và của Việt Nam (TCVN). Chỉ những công tơ có kết quả kiểm định đạt mới được lắp đặt cho khách hàng.
PV: Đồng hồ điện tử có chip điện tử nên có thể can thiệp kết quả đo không thưa bà?
Bà Nguyễn Ngọc Tường Vi: Thực hiện theo tiêu chuẩn của thế giới (IEC), công tơ điện tử đều có các chế độ bảo mật để chống sự can thiệp từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến hoạt động của công tơ. Theo đó, mỗi công tơ đều có nhiều lớp mật khẩu bảo vệ khác nhau để hạn chế tối đa sự can thiệp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, với công nghệ ngày càng hiện đại và hoàn thiện, dữ liệu đo đếm của các công tơ này còn được mã hóa để tăng tính bảo mật, đảm bảo công tơ hoạt động ổn định và chính xác.
87,25% khách hàng không dùng tiền mặt thanh toán tiền điện
Trong 6 tháng đầu năm 2018, EVNHCMC đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch năm gắn liền với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, trong bối cảnh TPHCM tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Sản lượng điện thương phẩm đạt 11.797,40 triệu kWh, tăng 6,39% so với cùng kỳ. Sản lượng bình quân đạt 68,35 triệu kWh/ngày, sản lượng ngày cao nhất đạt 81,13 triệu kWh, tăng 5,91% so với cùng kỳ. Công suất cực đại đạt 4.138,5MW, tăng 7,00% so với cùng kỳ năm 2017.
Sản lượng điện tiết kiệm được trong 6 tháng đầu năm đạt 198,97 triệu kWh. EVNHCMC đã quản lý 173.125 cam kết với chủ nhà trọ về thu tiền điện đúng giá quy định, giải quyết cho 1.471.859 công nhân, sinh viên và người lao động thuê nhà ở được sử dụng đúng giá quy định, tăng 3.243 người so với cuối năm 2017.
Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 96,85% trong tổng số 843.676 yêu cầu, trong đó có 704 yêu cầu tiếp nhận qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND TPHCM.
Đến nay, tỷ lệ khách hàng không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện là 87,25%. Thanh toán tiền điện qua website của Trung tâm Chăm sóc khách hàng (cskh.hcmpc.vn) có 25.378 lượt giao dịch, tương ứng số tiền 28,95 tỷ đồng.
EVNHCMC đã lắp đặt 239.390 điện kế có chức năng đo xa (bao gồm 226.325 khách hàng và 13.065 công tơ tổng trạm công cộng).
|