Vì sao ngày nay nhiều người không muốn làm sếp?

Trước kia, thăng tiến lên các vị trí quản lý là mục tiêu của hầu hết nhân viên để kiếm nhiều tiền và nắm giữ quyền lực lớn hơn. Nhưng nay, thời thế đã đổi.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của CoderPad, một nền tảng phỏng vấn kỹ thuật dành cho các nhóm phát triển hàng đầu, 36% nhân viên công nghệ cho biết không muốn làm quản lý. Lý do là Gen Z và Millennials ưu tiên cân bằng công việc và cuộc sống nhiều hơn so với thế hệ trước.

Với nhóm này, kiếm thêm chút tiền mà phải tốn thêm thời gian, chịu căng thẳng vì giám sát nhân viên là không đáng.

Jack Kelly, giám đốc điều hành, nhà sáng lập công ty tìm kiếm việc làm WeCruitr (New York, Mỹ), có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết, khi đại dịch bắt đầu, người quản lý được khuyên cho nhân viên làm việc tại nhà. Sau đó, họ phải thiết lập chính sách và quy trình cho nhân viên làm việc từ xa.

Khi người lao động trợ lại văn phòng, người quản lý được giao nhiệm vụ điều phối lịch trình kết hợp, giám sát tình trạng tiêm chủng và các trách nhiệm khác theo lệnh của cấp cao hơn.

Họ cũng bị chi phối bởi những biến động mạnh mẽ của thị trường việc làm. Đại dịch suy yếu, một cuộc tuyển dụng nhân tài lại một lần nữa diễn ra. Cuộc "Đại từ chức" gây khó khăn cho tuyển dụng và giữ chân người lao động, đồng thời, các công ty nhận ra họ thiếu nhân lực. Ngay sau cuộc chiến tranh giành nhân tài, hàng loạt công ty thông báo sa thải nhân viên văn phòng. Mục tiêu hướng đến thường là loại bỏ vị trí quản lý cấp trung.

Theo MIT Sloan Management Review, mặc dù tính hiệu quả của người quản lý là ưu tiên hàng đầu của các công ty nhưng nghiên cứu cho thấy sự hỗ trợ của tổ chức dành cho người quản lý đang giảm mạnh.

Một cuộc khảo sát năm 2022 của tổ chức nghiên cứu Diễn đàn Tương lai đã tiết lộ rằng, tại nơi làm việc thời hậu Covid, quản lý cấp trung là những nhân viên kiệt sức nhất ở mọi cấp độ của tổ chức. Theo phát hiện, 45% tự báo cáo đã kiệt sức.

Ngoài ra, cảm giác cô đơn và không còn là thành viên của nhóm khi làm sếp khiến nhiều người không hứng thú với vị trí này. Với tư cách là người quản lý cấp trung, bạn bị mắc kẹt giữa quản lý cấp cao và lao động bình thường. Khi bước vào một căn phòng, thay vì trở thành thành viên của nhóm, mọi người sẽ ngừng nói chuyện và trở nên nghiêm túc hơn khi có mặt bạn.

Mỗi khi văn phòng xảy ra khủng hoảng, người quản lý được giao nhiệm vụ dập lửa. Dù tranh cấp được giải quyết thế nào thì chắc chắn có người không hài lòng, bỏ đi và đổ lỗi cho người quản lý.

Các nhà quản lý ngày nay còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức, gồm đối phó với mức độ hiệu suất giảm, thiếu nhân lực, thiếu sự giao tiếp và làm việc nhóm giữa các nhân viên. Áp lực liên tục để đạt mục tiêu, xây dựng cơ cấu, giải quyết các vấn đề với nhân viên, tìm cách chuyển mình từ nhân viên sang quản lý khiến nhiều người kiệt sức.

Cũng theo Jack Kelly, khi đảm nhận vị trí quản lý, đôi khi họ có thể mất đi công việc thực sự yêu thích vì bị kéo theo những hướng khác. Ví dụ một lập trình viên tài năng được giao nhiệm vụ xây dựng và quản lý nhóm 10 nhân viên. Thay vì viết mã (code), người này dành cả ngày để quản lý những chi tiết vụn vặt trong quy trình làm việc mỗi ngày.

Link gốc


  • 09/05/2024 08:44
  • Theo vnexpress.net
  • 3019