Việt Nam cần có thời gian để phát triển thị trường điện

Ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành đã giúp việc huy động điện tốt hơn. Tuy nhiên, để tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giá thành phát điện.

 

Việt Nam cần có lộ trình phát triển thị trường điện. Ảnh minh hoạ

Đến cuối năm 2013, toàn hệ thống có 102 nhà máy điện đang vận hành và tham gia thị trường với tổng công suất 26.901 MW; trong đó có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường với tổng công suất lắp đặt 11.947 MW, chiếm 44,4% toàn hệ thống. Các nhà máy còn lại tham gia thị trường theo hình thức gián tiếp gồm các nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các nhà máy điện BOT, nhiệt điện chạy dầu/than nhập đắt tiền và các nhà máy hưởng cơ chế đặc thù.

Theo thông tin từ Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, trong năm 2014 có trên 11.947MW tổng công suất đặt của các nhà máy điện sẽ chính thức tham gia trực tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM). Cụ thể, năm 2014 sẽ có tổng số 48 nhà máy điện tham gia chào giá trực tiếp trên VCGM, với tổng công suất đặt là hơn 11.947 MW. Trong đó, khu vực miền Bắc có 16 nhà máy với tổng công suất 4.459 MW, miền Trung là 17 nhà máy với 2.070 MW và con số này ở miền Nam là 15 nhà máy và 5.417 MW tổng công suất.

Cũng theo thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực, ngoài các nhà máy tham gia chào giá trực tiếp, năm 2014 cũng sẽ có 25 nhà máy tham gia gián tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt là 11.983 MW. Đây sẽ là nguồn quan trọng để Việt Nam thực hiện thị trường điện cạnh tranh trong tương lại.

Chia sẻ về thị trường điện Việt Nam, ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng phát triển điện, Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, thị trường phát điện cạnh tranh vận hành đã giúp việc huy động điện tốt hơn, giá phát điện cũng đã phản ánh được chi phí phát điện và nhu cầu theo giờ. Tuy nhiên, để đạt những cấp độ phát triển tiếp theo là thị trường bán buôn cạnh tranh và tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh, Việt Nam cần có lộ trình phát triển từng bước.

Trong khi đó, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, Việt Nam cần phải có thời gian cũng như lộ trình rõ ràng. Bởi hiện nay, cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn quá thiếu và yếu, rồi vấn đề con người, công nghệ nhà máy điện… cũng chưa thể đáp ứng ngay được.

 


  • 06/05/2014 03:54
  • Theo Vnmedia
  • 4742


Gửi nhận xét