Việt Nam được tư vấn công nghệ điện hạt nhân hiện đại nhất thế giới

16:33, 22/05/2012

Công nghệ điện hạt nhân nước nhẹ kiểu sôi (ABWR), thế hệ 3+, được xem là hiện đại nhất hiện nay đã được trưng bày và giới thiệu tại Triển lãm VE 2012.

Tại Hội chợ, triển lãm Quốc tế về phát triển năng lượng Việt Nam lần thứ 4 (VE Expo, diễn ra từ 16 đến 18-5) tại Hà Nội, ông Junichi Kawahata, Phó Tổng giám đốc bộ phận dự án hạt nhân, Cty Hệ thống điện Hitachi cho biết: Sau khi Nhật Bản được chọn làm đối tác để xây dựng tổ máy 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận (sau cuộc họp giữa Thủ tướng hai nước tháng 10-2010), Hitachi đã lập bộ phân dự án điện hạt nhân Việt Nam.

Những công nghệ hiện đại nói trên sẽ được thiết kế, giới thiệu cho Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo ông Kawahata, trước khi xảy ra thảm họa Fukuishima, Nhật Bản có 54 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động, nhưng hiện đã bị ngừng tất cả. “Chúng tôi đang kiểm tra tính an toàn, cần thiết, sẽ gia cố thêm các thiết bị công nghệ mới để đảm bảo tính an toàn cao nhất.

Khi đã được xác định an toàn rồi, sẽ lần lượt cho khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản đang rất tích cực trong việc này”.

Mô hình lò theo công nghệ ABWR.

Đại diện của Hitachi cho biết, trong số 54 tổ máy nói trên, có 20 tổ máy Hitachi tham gia trực tiếp. Trước khi xảy ra sự cố, có 3 tổ máy đang trong quá trình xây dựng, tất cả của Hitachi, và đều sử dụng công nghệ ABWR. “Qua bài học từ sự cố Fukuishima, chúng tôi nghiên cứu, cải tiến thêm công nghệ.

ABWR là thế hệ lò 3+, được xem là tiên tiến nhất hiện nay, có tỷ lệ hỏng hóc, sự cố trong tâm lò ít nhất từ trước tới nay về lò nước sôi. Để ứng phó với động đất, sóng thần, ABWR cải tiến về độ cao của nền lò, đồng thời sẽ thiết kế các cửa, đường ống tránh thấm, ngấm nước trong tổ hợp nhà máy”, ông Kawahata nói.

Hiện Hitachi đang tìm đối tác xây dựng nhà máy từ các doanh nghiệp của Việt Nam. Hitachi cũng phối hợp với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Điện lực Việt Nam để đào tạo nhân lực, phục vụ cho quá trình vận hành nhà máy.

Về lo ngại hiện tượng đứt gãy nằm dọc theo quốc lộ 1A, đe doạ sự an toàn vị trí xây nhà máy tại Ninh Thuận, ông Kawahata cho biết: Hiện công ty của Nhật và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang khảo sát, sau khi có kết luận mới có thể nhận định chính xác được.

Tuy nhiên, theo ông, ở Ninh Thuận có nền đất tương đối cứng, hơn nữa, với dự tính là mức độ động đất lớn nhất của Nhật Bản, thì công nghệ ABWR của Hitachi vẫn có thể đảm bảo an toàn.

 


Theo Tienphong online

Share