Công ty TNHH MTV Vina Paper (Vina Paper) được thành lập năm 2009, là công ty con thuộc sở hữu của Công ty TNHH Berli Jucker Public. Hiện tại, Vina Paper là một trong những doanh nghiệp lớn trên thị trường sản xuất giấy Tissue tại Việt Nam mang thương hiệu E’mos.
Mục tiêu của Vina Paper là trở thành doanh nghiệp sản xuất giấy Tissue hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời, xây dựng và mở rộng mạng lưới cung ứng sản phẩm chất lượng, dịch vụ chuyên nghiệp trong toàn khu vực.
Luôn đi đầu trong việc áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất trong nước, những sản phẩm của Vina Paper có chất lượng cao và mức giá phù hợp với người tiêu dùng, với công nghệ sản xuất hiện đại theo dây chuyền của Italy.
Vina Paper sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất của Italy
|
Nhận thức việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để giảm chi phí giá thành cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua Vina Paper đã nghiêm túc thực hiện quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, từ năm 2018, Công ty đã thành lập Ban quản lý năng lượng để quy định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, xây dựng và ban hành chính sách sử dụng năng lượng. Các thành viên tham gia trực tiếp trong Ban quản lý năng lượng được ưu tiên đào tạo, tiếp thu các kiến thức về sử dụng năng lượng hiệu quả, từ đó phổ biến, tuyên truyền và áp dụng cho người lao động trong Công ty.
Anh Nguyễn Thành Cương - Phụ trách kỹ thuật Nhà máy giấy Vina Paper cho biết, bộ phận quản lý năng lượng thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhu cầu tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị trên toàn bộ dây chuyền sản xuất, tình hình lắp đặt mới, cải tạo, sửa chữa thiết bị sử dụng năng lượng của cơ sở. Bên cạnh đó, thực hiện họp báo cáo tổng kết 3 tháng/lần và có trách nhiệm lên kế hoạch tiết kiệm năng lượng và thực hiện kế hoạch công việc.
Song song công tác quản lý, Nhà máy đã thực đồng hiện bộ nhiều giải pháp để tiết kiệm năng lượng như: Lắp biến tần tại các khu vực sản xuất, cải tiến dây chuyền công nghệ để tăng công suất hoạt động giờ thấp điểm, lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng của lò hơi để tận dụng nước nóng cấp vào lò; lắp đặt bộ hâm nước để duy trì nhiệt độ nước cấp cho lò hơi...
Cụ thể, nhà máy đã lắp biến tần tại nhiều vị trí thiết bị sản xuất như: hệ thống cấp nước cho sản xuất; hệ thống máy nén khí; hệ thống cấp nước lò hơi... Trong đó, hệ thống biến tần tại khu vực lò hơi giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng nhất. "Nếu ban đầu quạt hút ôxi và khí thải của lò hơi được chạy trực tiếp với tần số 50 Hz thì sau khi lắp biến tần đã giúp điều chỉnh hệ thống chạy với tần số từ 10-15Hz", anh Nguyễn Thành Cương chia sẻ.
Đối với lò hơi, Nhà máy đã lắp bộ hâm nước có kích thước lớn gấp 02 lần so với bình thường để nước cấp vào balong hơi duy trì ở nhiệt độ khoảng 140oC qua đó giúp tiết kiệm năng lượng cho lò. Hay lắp đặt hệ thống thu hồi nước ngưng của lò hơi để tuần hoàn trực tiếp về balong hơi, qua đó lượng nước ngưng thu hồi đáp ứng được 80% lượng nước cần thiết cho lò. Với giải pháp này đã giúp Nhà máy tận dụng được lượng nước cần làm nóng để cấp cho lò hơi.
Đối với hệ thống bơm để cấp nước cho lò hơi, trước đây bơm nguyên bản theo dây chuyền lò hơi công suất 30kW nhưng Nhà máy đã thực hiện cải tiến và chỉ cần lắp bơm công suất 2,2kW chạy bằng biến tần cấp nước ổn định vào lò.
Hệ thống máy bơm trước và sau cải tiến
|
Đặc biệt, trong giai đoạn nắng nóng, Nhà máy đã thực hiện tiết kiệm năng lượng bằng cách cải tiến dây chuyền thiết bị nhằm tăng công suất vào giờ bình thường và giờ thấp điểm để khung giờ cao điểm (từ 9h30-11h30 và từ 17h00 - 20h00) dừng sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí.
Để xác định mức tiêu thụ năng lượng, tiềm năng tiết kiệm năng lượng, từ đó có giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Nhà máy thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ 3 năm/lần. Lần kiểm toán gần nhất vào tháng 12/2020 và năm 2023 Nhà máy đang thực hiện kiểm toán năng lượng do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan năng lượng Hàn Quốc tổ chức thực hiện. Thông qua việc kiểm toán năng lượng lần này sẽ giúp Nhà máy lựa chọn để thực hiện các giải pháp quản lý và công nghệ nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bằng sự lỗ lực không ngừng của toàn bộ cán bộ công nhân viên trong công ty thực hiện những sáng kiến cải tiến, sự đầu tư công nghệ kỹ thuật mới và đặc biết ý thức tiết kiệm của mỗi thành viên trong công ty đã giúp suất tiêu hao năng lượng trên một tấn giấy thành phẩm giảm dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2021 công ty đã giảm năng lượng tiêu hao trên mỗi tấn giấy thành phẩm 8,3% so với năm 2020 và năm 2022 giảm 5,1% so với năm 2021.
Nhà máy đang trong quá trình thực hiện kiểm toán năng lượng năm 2023
|
"Nếu quy định mức tiêu hao năng lượng của ngành Giấy là 14,572 MJ/ tấn sản phẩm thì năm 2021 mức tiêu hao năng lượng của nhà máy Vina Paper là 12,156.6 MJ/ tấn sản phẩm (thấp hơn 2,415.4 MJ) và năm 2022 là 11,534,4 MJ/ tấn sản phẩm (thấp hơn 3,037.6 MJ)", anh Nguyễn Thành Cương cho biết.
Để tiếp tục giảm năng lượng tiêu hao, Nhà máy đã và đang triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023. Các nội dung được triển khai bao gồm: Giảm tiêu hao điện trên mỗi tấn giấy thành phẩm là 30kWh; Thay thế điều khiển chiếu sáng ngoài trời dùng bộ định thời gian sang cảm biến ánh sáng; Thay thế bóng đèn chiếu sang bằng bóng led; Xây dựng thí điểm hệ thống giám sát điện năng online...
Không chỉ dừng lại ở những giải pháp tiết kiệm năng lượng, Vina Pape cũng là một trong những doanh nghiệp sản xuất giấy đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cụ thể, đơn vị luôn tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua việc quan trắc môi trường, báo cáo xả thải, báo cáo bảo vệ môi trường định kỳ. Đồng thời, 100% nguyên liệu sử dụng cho quá trình sản xuất là giấy tái chế.
Tiết kiệm năng lượng là hoạt động mang lại hiệu quả lâu dài cho các đơn vị sản xuất. Triển khai tốt hoạt động này, nhà máy giấy Vina Paper đã và đang kiên định mục tiêu duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Anh Thư
Share