Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, với tổng số vốn cần đầu tư là 2.767 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn, tỉnh Vĩnh Long tập trung đầu tư xây dựng mới gồm các trạm biến áp phân phối dung lượng 340.337 KVA, cải tạo nâng công suất 1.804 trạm biến áp, tổng dung lượng 126.543 KVA, thi công cải tạo 564 km đường dây, và lắp mới 37.000 công tơ các loại. Riêng lưới điện hạ áp 110 kV tập trung xây dựng mới 2.738 km đường dây.
Trong giai đoạn này, tỉnh Vĩnh Long ưu tiên triển khai dự án năng lượng tái tạo, xây dựng 3 nhà máy điện mặt trời tổng công suất 25 MW và đầu tư lắp đặt 267 hệ thống dàn pin năng lượng mặt trời công suất 30Wp/hộ để cấp điện cho các hộ dân trên các cù lao chưa có điện lưới quốc gia.
Theo ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, dự báo nhu cầu điện năng thương phẩm trên địa bàn tăng 9,8%/năm; trong đó tập trung cung ứng điện cho lĩnh vực công nghiệp với tốc độ tăng trưởng 12,3%/năm do nhu cầu thu hút đầu tư, lấp đầy các khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn như khu công nghiệp Hòa Phú giai đoạn 2, khu công nghiệp Bình Minh, các cụm công nghiệp tại các huyện Vũng Liêm, Bình Tân đi vào hoạt động và mở rộng các khu đô thị mới.
Hiện nay, hiện trạng nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa đáp ứng yêu cầu cao trong phát triển công nghiệp tập trung và công nghiệp nông thôn; trong đó lưới điện 110 kV đã đầy tải, mức độ dự phòng thấp, không có liên kết lưới điện trên toàn tỉnh. Dự án quy hoạch phát triển lưới điện nhằm phát triển lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và vùng, giảm tổn thất lưới điện trung áp dưới 5%/năm, đảm bảo chất lượng điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho hộ dân sử dụng.