Trình bày báo cáo trước Ban Chỉ đạo, đại diện đơn vị tư vấn cho biết đã xây dựng cấu trúc thị trường điện cho bên mua và bên bán. Theo đó, bên bán điện ngoài các nhà máy điện đã tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh thì các nhà máy thủy điện đa mục tiêu và các nhà máy điện BOT cũng tham gia thị trường điện.
Từ năm 2016 sẽ vận hành thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh - Ảnh Internet
|
Về bên mua điện, ngoài các tổng công ty điện lực còn có các khách hàng lớn nối lưới truyền tải điện, trong giai đoạn sau sẽ mở rộng tới khách hàng nối lưới phân phối. Các đơn vị cung cấp dịch vụ như Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) giữ vai trò độc lập với bên mua và bên bán điện.
Đối với việc vận hành thị trường điện, đơn vị tư vấn xây dựng các quy định vận hành thị trường được xây dựng để cung cấp thông tin cho các đơn vị phát điện, khách hàng, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện nhằm đảm bảo tối ưu hóa hoạt động của hệ thống điện và thông tin đầy đủ của hoạt động giao dịch, những quy định vận hành năm, tháng, tuần, ngày, giờ và thời gian thực…
Đơn vị tư vấn xây dựng kịch bản trong năm 2015 sẽ phê duyệt thiết kế chi tiết VWEM, cũng như kế hoạch thực hiện, kinh phí cho đầu tư hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu của VWEM.
Từ năm 2016-2018 sẽ vận hành thí điểm, năm 2019 bắt đầu vận hành chính thức và sau năm 2019 sẽ tiếp tục hoàn thiện. Và để thực hiện thành công VWEM, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như quy định vận hành VWEM, các quá trình và hệ thống điều tiết; phải thành lập các đơn vị cung cấp dịch vụ, thành lập bên mua và bên bán. Đặc biệt hệ thống CNTT rất quan trọng cho sự thành công của VWEM nên cần phải trang bị và nâng cấp các hệ thống…
Theo tư vấn, Bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát và thực hiện việc ban hành các quy định cho VWEM; thu thập các yêu cầu tài chính cho việc xây dựng VWEM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. EVN chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho hệ thống trung tâm; Tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao năng lực nhân viên; Đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tài chính cho việc thành lập các đơn vị mới theo yêu cầu. Các đơn vị thành viên chịu trách nhiệm đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho việc vận hành VWEM; đào tạo và nâng cao năng lực của nhân viên.
Trước những trình bày của đơn vị tư vấn, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mong muốn đơn vị tư vấn làm rõ hơn những khó khăn và giải pháp về hạ tầng công nghệ thông tin khi các nhà máy thủy điện đa mục tiêu tham gia vào thị trường bán buôn.
Kết luận tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Việc xây dựng thị trường điện phải đáp ứng được nhiều mục tiêu trong đó phải đảm bảo an ninh cung ứng điện, với việc cung cấp điện ổn định, tin cậy. Đồng thời thị trường điện cạnh tranh phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia từ đơn vị phát điện, phân phối đến khách hàng tiêu dùng điện. Nếu làm mất cân đối của các bên tham gia thị trường điện thì mô hình đó không thành công. Chính vì thế, trong thời gian qua Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan, đặc biệt là đơn vị tư vấn đã thiết kế thị trường bán buôn cạnh tranh một cách thận trọng. Vì đây là một mô hình mới ở nước ta nên từ nay đến năm 2019, sẽ chia nhiều bước thực hiện, đồng thời cũng cần truyền thông để người dân nhận thức đầy đủ hơn về thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các đơn vị khẩn trương đóng góp ý kiến gửi Cục Điều tiết điện lực trong tháng 5 để Cục Điều tiết Điện lực rà soát các góp ý hoàn thiện Đề án chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh trong tháng 6 để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.