Đó là sách liên quan tới quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, triết lý sống, triết lý kinh doanh hoặc những chia sẻ về lĩnh vực chuyên môn. Những tác phẩm như thế trở thành một trong những tài liệu cơ bản của văn hóa doanh nghiệp.
Khi tôi làm việc tại Công ty CP Vàng Bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), chị Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT PNJ thường xuyên mua sách hay và tặng cho cán bộ chủ chốt. Chúng tôi đọc, thảo luận và tìm cách ứng dụng kiến thức từ những quyển sách ấy vào công việc. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ chủ chốt có cùng tầm nhìn và quan điểm nên việc phối hợp và điều hành PNJ rất thuận lợi. Và khi sếp lớn ham đọc sách để học hỏi thì tất yếu nhân viên trong công ty sẽ noi theo.
Khi làm Tổng giám đốc Công ty CP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), việc đầu tiên của tôi là xây dựng tủ sách tại văn phòng. Có một cuốn sổ để ai mượn sách về nhà thì ghi vào. Tôi còn tặng sách cho cán bộ quản lý, cho đoàn viên thanh niên. Tôi yêu cầu ban chấp hành chi đoàn công ty phải tổ chức cuộc thi đọc và cảm nhận về sách. Nhưng khi tôi rời công ty này thì việc đọc sách cũng dừng lại. Tôi tự hỏi, có khi nào mình duy ý chí, ép buộc các bạn trẻ đọc sách không? Có thể, tôi chưa giúp họ nhận ra giá trị của việc đọc sách.
Khi làm việc tại Alpha Books trước đây và sau này là Saigon Books, tôi luôn yêu cầu xây dựng tủ sách doanh nghiệp với 200-500 cuốn sách phù hợp. Chúng tôi cố gắng chào bán tủ sách cho doanh nghiệp nhưng kết quả là không nhiều công ty mua. Cũng dễ hiểu vì có nhiều chủ doanh nghiệp đang quay cuồng trong việc điều hành kinh doanh, bán hàng, công nợ, chưa thể dành thời gian cho hoạt động phát triển con người và văn hóa doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
|
Một lần, tôi về Cần Thơ, ghé thăm Phúc Tea - một công ty startup về trà sữa và đang phát triển rất nhanh. Từ một chiếc xe đẩy bán trà sữa trên lề đường ở Cần Thơ vào năm 2016, sau 6 năm, Phúc Tea đã có 130 cửa hàng, điểm bán nhượng quyền ở nhiều tỉnh, thành. Hai bạn founder đều rất trẻ và thường xuyên tham gia các lớp học. Lý giải về thành công của Phúc Tea, Vũ - Chủ tịch HĐQT Phúc Tea cho biết nhờ tinh thần chịu khó học tập của anh chị em trong đơn vị. Tại công ty, có thư viện và phòng đọc sách. Hàng tuần, công ty tổ chức bình luận, nhận xét về sách, bốc thăm tặng sách chéo cho nhau, thử thách viết liên tục 30 ngày. Qua đó, cải thiện tư duy phản biện, tư duy sáng tạo trong công việc, giúp nhân viên tự tìm được những câu trả lời tốt nhất về công việc, gia đình, cuộc sống.
Theo quan sát của tôi, một số công ty bán hàng theo mô hình mạng lưới đều chú trọng đến đào tạo con người, đặc biệt là học hỏi từ sách. Một lần, tôi được mời tham gia “Giờ đọc sách online” của một công ty bán thực phẩm chức năng, bất ngờ khi nghe chia sẻ của những phụ nữ học vấn không cao nhưng chịu khó học hỏi từ sách để bán hàng được tốt hơn. Họ nói về những điều học được từ sách và áp dụng như thế nào.
Gần đây, tôi nhận được lời mời từ một số công ty để chia sẻ về sách cũng như văn hóa đọc. Điều này xuất phát từ mong muốn của những người lãnh đạo doanh nghiệp để tạo ra văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Tiếc là chưa có nhiều doanh nghiệp làm như vậy.
Không chỉ khuyến khích đọc sách trong doanh nghiệp, nhiều doanh nhân hiện nay còn quan tâm tới viết sách. Đó là sách liên quan tới quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp, triết lý sống, triết lý kinh doanh hoặc những chia sẻ về lĩnh vực chuyên môn. Những tác phẩm như thế trở thành một trong những tài liệu cơ bản của văn hóa doanh nghiệp.
Thói quen đọc sách của người Việt còn thấp, tất yếu ảnh hưởng xấu tới việc xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Cho nên, có nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến việc này. Tuy nhiên, cũng có những doanh nhân rất nỗ lực khuyến khích nhân viên công ty đọc sách nhưng vẫn không đạt được kết quả như mong muốn. Vậy đâu là rào cản? Có mấy nguyên nhân:
Thứ nhất, thiếu sự khơi gợi động lực, do chưa tìm ra câu trả lời thỏa đáng và phù hợp cho câu hỏi: Tại sao tôi phải đọc sách? Việc đọc sách có giúp tôi thăng tiến hay có thu nhập tốt hơn không?
Thứ hai, thiếu ghi nhận, tưởng thưởng khi nhân viên đọc sách nên chưa khuyến khích được họ đọc sách.
Thứ ba, chưa khuyến khích tập thể cùng đọc sách để tạo ra những đội nhóm khuyến khích nhau đọc sách.
Thứ tư, lãnh đạo chưa làm gương trong việc luôn tranh thủ đọc sách để trong những cuộc họp giao ban nói về tác dụng của sách đối với phát triển doanh nghiệp.
Thứ năm, chưa làm cho nhân viên thấy việc ứng dụng từ sách quan trọng như thế nào đối với sự phát triển doanh nghiệp.
Muốn phát triển doanh nghiệp rất cần xây dựng văn hóa học tập mà trong đó đọc sách là rất cần thiết. Doanh nghiệp có nhiều nhân viên ưa thích đọc sách thì sẽ có nhiều sáng kiến trong sản xuất, kinh doanh. Đây cũng chính là tài sản quý giá của doanh nghiệp.
Link gốc