Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 19 nhà máy nhiệt điện đang vận hành với tổng công suất phát điện 14.480 MW và thải ra khoảng 15 triệu tấn tro, xỉ hàng năm. Trong đó, lượng tro bay chiếm khoảng 75%, còn lại là xỉ. Dự kiến sau năm 2020, con số này sẽ là 43 nhà máy với tổng công suất 39.020 MW, lượng tro xỉ thải ra dự kiến hơn 30 triệu tấn/năm.
Quang cảnh buổi làm việc - Ảnh Lê Tuấn
|
Trên thực tế, hiện nay, lượng xỉ đáy lò được tái sử dụng khá triệt để trong sản xuất vật liệu xây dựng. Trong khi đó, lượng tro bay cũng được sử dụng làm phụ gia cho xi măng, bê tông đầm lăn, gạch không nung nhưng khối lượng không lớn, khoảng 0,5-1 triệu tấn/năm.
Nguyên nhân của việc tro bay chưa được tái sử dụng rộng rãi do đặc tính kỹ thuật không phù hợp, độ ẩm và lượng than chưa cháy hết còn cao, chi phí vận chuyển dẫn tới giá thành lớn.
Bộ Xây dựng cho biết, nếu được xử lý đạt yêu cầu chất lượng thì tiềm năng sử dụng tro xỉ cho sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng là khá lớn. Theo tính toán, các nhà máy xi măng có thể tiêu thụ khoảng 2-3 triệu tấn tro bay/năm, các công trình bê tông đầm lăn có thể sử dụng 1 triệu tấn tro bay/năm. Vật liệu không nung cũng có thể sử dụng 1 triệu tấn và cùng các nhu cầu khác, sẽ đảm bảo tiêu thụ 6-8 triệu tấn trong số 11 triệu tấn tro bay mỗi năm hiện nay.
Sự việc ảnh hưởng môi trường do tro xỉ thải xảy ra tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) đã đặt ra yêu cầu về giải pháp cấp thiết và căn cơ về xử lý, sử dụng một tỷ lệ nhất định tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện. Đặt ra các yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý, đảm bảo môi trường, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1696/QĐ-TTg chỉ đạo triển khai một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cũng đã tiến hành kiểm tra tình hình xử lý tro xỉ của các nhà máy, các cơ sở công nghiệp phát thải khác và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn về tro, xỉ để tái sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Tại cuộc làm việc, sau khi rà soát, đánh giá tình hình cũng như việc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cần phải quyết liệt hơn nữa các giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ nhằm đảm bảo vừa tiết kiệm năng lượng, vừa giải quyết bài toán tài nguyên, đảm bảo môi trường.
Việc thứ nhất là tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, nhà máy nhiệt điện từng khu vực để xem xét, tính toán các điều kiện, phương án cụ thể và mức độ tiêu thụ lượng tro xỉ, các phương pháp xử lý môi trường. Trong đó tập trung vào các dự án nhiệt điện cấp thiết về vấn đề này như Vĩnh Tân, An Khánh, Sông Hậu, Vũng Áng…
Các nhà máy nhiệt điện đang trong quá trình đầu tư, xây dựng sẽ chỉ được triển khai khi có phương án rõ ràng về xử lý tro xỉ, hoặc có hợp đồng với các đơn vị có nhu cầu, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về yêu cầu xử lý, phổ biến các mô hình, cách làm hay trong xử lý tro xỉ mà một số nhà máy nhiệt điện đã thực hiện hiện nay.
Về các giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng đối với tro, xỉ, làm rõ các chỉ tiêu chất lượng cụ thể ứng với từng lĩnh vực sử dụng để đẩy mạnh việc tái sử dụng tro, xỉ trong sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng, bê tông hiện nay. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để mở rộng các phương án sử dụng, tiêu thụ sản phẩm tro xỉ, đơn cử như kết hợp làm nền đường thay cho cát, làm vật liệu san lấp ở các công trình phù hợp, làm đường giao thông nông thôn…
Lê Tuấn
Share