“Chìa khoá” thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp giai đoạn 2019 - 2030

Theo ông Hoàng Việt Dũng - Thành viên Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương, giải pháp tài chính là “chìa khoá” để thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp giai đoạn 2019 - 2030.

PV: Theo các khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp có thể đạt từ 20-30%, xin ông cho biết cụ thể về tính toán này?

Ông Hoàng Việt Dũng: Xác định tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng, ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 280/QĐ-TTg - phê duyệt Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. 

Chương trình đề ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2019-2030, tương đương việc tiết kiệm 60 – 80 triệu tấn dầu quy đổi, các mục tiêu cụ thể nhằm đạt mức giảm tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng từ 6,8% lên tới 24,81% theo ngành/phân ngành.

Đây là con số chúng tôi đánh giá là tương đối tham vọng, đòi hỏi Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành, địa phương cùng nhau triển khai các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ để có thể đạt được mục tiêu này. 

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp có thể đạt từ 20 – 30%, nhưng để tiềm năng tiết kiệm năng lượng trở thành hiện thực thì chúng ta sẽ phải triển khai rất nhiều công việc, giải pháp từ nay đến 2030 thì mới có thể đạt được con số này.

PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những giải pháp tiết kiệm năng lượng để đạt được mức tiết kiệm năng lượng 8-10% như trên?

Ông Hoàng Việt Dũng: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 đã đưa ra cụ thể 09 nhóm giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong 9 nhóm giải pháp đấy chúng tôi tập trung vào  06 nhóm giải pháp chính: 

Giải pháp 1: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến trình chính phủ trong tháng 9/2022. Cùng với đó là chúng tôi cũng xây dựng và hoàn thiện các văn bản dưới luật như các nghị định, thông tư. 

Giải pháp 2: Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi tập trung hỗ trợ các hoạt động kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp.

Giải pháp 3: Tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các đơn vị liên quan triển khai chương trình, trong đó chú trọng đến các khóa đào tạo người quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng.

Giải pháp 4: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức các giải thưởng hiệu quả năng lượng là hoạt động thường niên, giúp các doanh nghiệp lan tỏa ý thức tiết kiệm năng lượng.

Giải pháp 5: Xây dựng cơ chế tài chính thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi đã và đang triển khai các dự án hợp tác quốc tế cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng. Tăng cường rà soát, làm rõ các cơ chế đầu tư, ưu đãi về lãi suất, thuế, đầu tư đất đai. 

Giải pháp 6: Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

PV: Trong các giải pháp trên, giải pháp nào là giải pháp trọng tâm, thưa ông?

Ông Hoàng Việt Dũng: Trong các giải pháp trên, nhóm giải pháp về tài chính là giải pháp trọng tâm giai đoạn 2019 - 2030 cần được đẩy mạnh. Đây là “chìa khoá” thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp giai đoạn 2019 - 2030. 

Về giải pháp này, Bộ Công Thương đã triển khai các dự án hợp tác quốc tế trong đó có các dự án của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ cho vay đầu tư tiết kiệm năng lượng, thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh đầu tư các dự án tiết kiệm năng lượng…Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đã tiến hành nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó, tập trung bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi cho hoạt động đầu tư tiết kiệm năng lượng và xem xét thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã rất tích cực trong việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương trong lĩnh vực năng lượng nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng. Có thể kế đến như: Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 hợp tác với Chính phủ Đan Mạch.

Ngoài ra còn một số chương trình khác như: Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam giai đoạn II do USAID tài trợ, Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), hay hợp tác với đối tác GIZ để tài trợ hỗ trợ truyền thông, đào tạo, đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng. 

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã kết thúc Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam (VEEIE) được triển khai từ 2018 - 2022. Dự án có sự tham gia của các ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Trong gần 5 năm triển khai, dự án đã giúp gần 30 doanh nghiệp trong các ngành xi măng, mía đường, thép, thủy tinh, gạch ngói được nhận hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ dự án, đánh giá hiệu quả vận hành và đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các tiểu dự án tiềm năng.

Đối với những chỉ số tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, dự án đã có những kết quả nổi bật như: lượng năng lượng tiết kiệm được hàng năm là hơn 1,1 triệu MWh/ năm, vượt 72.5% so với dự kiến ban đầu, lượng phát thải khí nhà kính giảm được hàng năm là hơn 900.000 tấn CO2.

Tiếp nối ngay sau đó, Dự án Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành Công nghiệp Việt Nam (VSUEE) với quy mô 11,3 triệu USD cũng đã được khởi động. Dự án do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ không hoàn lại thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank) với tổng kinh phí là 11,3 triệu USD. 

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 30/09/2022 04:21
  • Nguồn: https://tietkiemnangluong.com.vn/
  • 1537