Đấu thầu để có giá tốt

Là nguồn năng lượng sạch, điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung cần được Chính phủ tạo điều kiện để phát triển bằng những cơ chế phù hợp với tình hình kinh tế, trình độ phát triển cùng nhu cầu phát triển của quốc gia. TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ ý kiến về chủ đề trên.

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Nguồn ảnh: Internet.

Theo TS Lê Đăng Doanh, về lâu dài, điện mặt trời cần được khuyến khích để trở thành một nguồn phát quan trọng trong tổng cơ cấu nguồn điện, bởi nó góp phần giảm thiểu ô nhiễm, nhất là trong bối cảnh Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố lớn đang ngày càng ô nhiễm.

Nhiều nước đã áp dụng hình thức điện mặt trời trên các hồ thủy điện để giảm sử dụng đất, bớt chi phí giải phóng mặt bằng, từ đó giảm giá thành đầu tư cũng như giảm áp lực cho giá điện nói chung. Tất nhiên, diện tích hồ được sử dụng ở mức nào cần được đánh giá kỹ để không ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Hiện Việt Nam cũng đã có dự án điện mặt trời trên lòng hồ và cần phát huy hơn nữa. 

Ngoài ra, một nguồn điện quan trọng nên được tận dụng là điện mặt trời áp mái đối với các hộ gia đình, công sở, khu công nghiệp... TS Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu làm được, Việt Nam sẽ tận dụng tốt lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo dồi dào với chi phí phù hợp nhất.

Liên quan đến các dự án đầu tư điện mặt trời quy mô vừa và lớn của các công ty năng lượng tư nhân, theo TS Lê Đăng Doanh, Chính phủ cùng các bộ, ngành và cơ quan liên quan đang đưa ra hướng thiết kế giá mới. Theo đó, đối với các dự án mới hoặc dự án chưa ký hợp đồng mua bán điện, sẽ không áp dụng biểu giá cố định mà chuyển sang đấu thầu công khai. Đây là phương án tốt bởi điều kiện nắng, giá đền bù đất ở các địa phương khác nhau, thậm chí từng khu vực trong một tỉnh cũng có giá khác nhau, vì vậy nếu áp dụng chung một giá thì không bảo đảm công bằng. 

Đấu thầu là cách đảm bảo công bằng cho các dự án điện mặt trời và góp phần thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch này.

Chẳng hạn, riêng về số giờ nắng, Ninh Thuận, Bình Thuận có tới 7.000 giờ nắng mỗi năm, nhưng các tỉnh miền Bắc chỉ có dưới 3.000 giờ. Khi đưa vào đấu thầu, khu vực có giờ nắng cao và giải phóng mặt bằng thuận lợi có thể đưa ra mức giá thấp hơn vùng nắng ít và khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Chỉ có như vậy mới đủ khuyến khích các công ty tham gia triển khai điện mặt trời và cũng giúp chọn lọc dự án tốt hơn, tránh tràn lan.

Tuy đấu thầu là cơ chế ưu việt, nhưng cách làm cần minh bạch để tránh tiêu cực, chạy "cửa sau". Khi được làm minh bạch thì điện mặt trời sẽ có giá tốt, có tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp đang trong tình trạng đầu tư dở dang cũng không phải lo chạy đóng điện trước thời hạn thực hiện cơ chế đấu thầu, giảm được tình trạng đầu tư tràn lan, gây quá tải lưới điện.

Link bài gốc


  • 27/12/2019 09:32
  • Nguồn: Người Lao động
  • 1776