PV: Thưa họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh, tham quan triển lãm “Mây thượng thiên” tại phòng tranh cá nhân, tôi rất ngạc nhiên khi có tới hơn 60 bóng đèn được bố trí tỉ mỉ, chiếu sáng cho các bức tranh. Anh có thể chia sẻ về vai trò của hệ thống ánh sáng này?
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Phải khẳng định rằng, điện năng không chỉ quan trọng trong cuộc sống thường ngày mà với những người họa sĩ như chúng tôi, điện còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hiệu ứng thị giác, tôn lên giá trị, vẻ đẹp của mỗi bức tranh.
Tôi đã từng đi thăm nhiều bảo tàng mỹ thuật lớn và quan trọng của thế giới như Louvre, Mauritshuis, Rijkmuseum,… ngắm các kiệt tác hội họa như một nhu cầu học hỏi về chuyên môn. Và tôi cũng vô cùng chăm chú và tỉ mỉ khi quan sát việc các bảo tàng lớn dùng điện để bảo vệ và trưng bày các bức tranh. Phải nói rằng, ánh sáng có khả năng tôn thêm vẻ đẹp của màu sắc, chất liệu và chiều sâu tư tưởng của mỗi bức tranh.
Hơn 60 bóng đèn mà bạn thấy, không đơn giản chỉ là trang trí mà mỗi bóng đều được bố trí một hướng, với một vai trò nhất định trong việc tạo hiệu ứng thị giác đối với từng bức tranh. Có thể nói rằng, ánh sáng là nét vẽ cuối cùng của bức tranh, dẫn dắt người xem vào vẻ đẹp của từng tác phẩm.
Ví dụ, với bức tranh “Hương sen”, nhờ ánh đèn tạo hiệu ứng người xem tranh có thể thấy được hạt sương mai đọng trên hoa sen, cảm nhận sâu hơn về ánh sáng của thiền cũng như bao triết lý Phật pháp trên mỗi bức họa.
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh tại xưởng vẽ
|
PV: Là một trong những họa sĩ trẻ đương đại đã khẳng định được tên tuổi, với những bức tranh được định giá rất cao, vậy anh có phải “trả giá cao” cho hóa đơn tiền điện không?
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: (Cười) Công việc sáng tạo của tôi chủ yếu ở phòng tranh. Ít nhất, cứ cầm cọ vẽ là phải bật đèn, thiết bị âm thanh, quạt hoặc điều hòa. Thế nhưng, đến kì thanh toán tiền điện, tôi chỉ phải thanh toán trung bình khoảng 700.000-1.200.000 đồng/tháng thôi! Nhìn chung, hóa đơn tiền điện chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với chi phí mua cọ, màu, gỗ… để vẽ tranh.
PV: Thiết bị điện khá nhiều, vậy đâu là “bí kíp” để anh không phải “đau ví” mỗi kì thanh toán hóa đơn tiền điện?
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Tôi là người sử dụng điện hợp lý, không phải quá chắt chiu nhưng tuyệt đối không lãng phí!
Trước đây, tôi sử dụng bóng đèn halogen để chiếu sáng. Tuy bóng đèn halogen cho ánh sáng đẹp, nhưng tỏa nhiệt, gây nóng cho căn phòng và tiêu tốn khá nhiều điện năng. Sau đó, tôi đã thay toàn bộ sang hệ thống bóng đèn led có công suất 7W, vừa đảm bảo yêu cầu về nghệ thuật, vừa tiết kiệm điện, đặc biệt là không tỏa nhiệt, gây nóng phòng.
Tôi rất tuân thủ nguyên tắc “tắt khi không sử dụng”. Hệ thống hơn 60 bóng đèn, chỉ bật khi cần thiết như: Mở cửa triển lãm hoặc khách đến xem tranh vào những ngày thường. Còn với nhu cầu sinh hoạt thường ngày, tôi chủ yếu dung đèn huỳnh quang.
Riêng với điều hòa, tôi chỉ dùng khi cần thiết và luôn đặt nhiệt độ 27 độ trở lên kết hợp dùng quạt. Với một phòng tranh, điều hòa cũng là một “trợ thủ”, khi trời nóng thì làm mát cả không gian, khi trời nồm ẩm tôi thường kích hoạt chế độ “dry” để giảm được độ ẩm bảo vệ các bức tranh giá trị và cũng rất tiết kiệm điện. Hàng năm tôi đều vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh điều hòa…
Các thiết bị điện khác cũng vậy, tôi luôn sử dụng đúng nhu cầu và không lãng phí.
PV: Anh nghĩ như thế nào khi EVN là đơn vị bán điện, nhưng thường xuyên kêu gọi khách hàng “tiết kiệm điện”, thưa họa sĩ?
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Đúng là có chút “trái ngược” ở đây, bởi đa phần với các loại hàng hóa, càng bán được nhiều thì doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đó càng có lợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điện là một mặt hàng đặc biệt, được sản xuất từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên như than đá, dầu khí, thủy điện...; trong khi các nguồn tài nguyên này thì ngày càng cạn kiệt. Cùng với đó, tiết kiệm điện còn góp phần giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn sự nóng lên của trái đất, bảo vệ môi trường…
Không chỉ EVN, mà hiện nay, Chính phủ cũng đang kêu gọi tiết kiệm điện. Vì vậy, sử dụng điện hợp lý, vừa tiết kiệm túi tiền cho chính mình, vừa tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia.
PV: Là một khách hàng sử dụng điện, anh đánh giá như thế nào về cách phục vụ của ngành Điện hiện nay?
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh: Thật tình, công việc sáng tạo của một họa sĩ luôn đòi hỏi sự tập trung và tận tụy một mình trước giá vẽ. Giả sử, đang vẽ mà điện bị sự cố, hẳn nhiên tôi bị “đứt mạch” cảm xúc. Rất may, bây giờ gần như rất hiếm khi gặp tình trạng mất điện đột xuất. Nếu không may nhà có sự cố về điện, tôi gọi tôi gọi vào số hotline của Công ty Điện lực Ba Đình, các nhân viên áo cam đến và xử lý rất nhanh.
Họ đến phòng tranh của tôi vài lần, rồi cũng thân thiện như người nhà. Khi họ không vướng víu sự cố, có thời gian nghỉ ngơi, tôi vẫn muốn mời họ ngồi lại cùng uống chén trà và ngắm tranh. Biết đâu trong tương lai, chính sắc màu áo cam ấy sẽ gợi cho tôi nhiều cảm xúc và suy tư khi tìm kiếm đề tài để vẽ.
PV: Trân trọng cảm ơn họa sĩ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
Họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh
- Sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội. Hiện anh là họa sĩ vẽ tranh sơn dầu.
- Một số triển lãm cá nhân: “Looking for Happiness” tại Singapore (2012), “Cuộc sống của Ma-Nơ-Canh” tại Hà Nội (2014), “Tết” tại Hà Nội (2017), “Mây Thượng Thiên” tại Hà Nội (2022)…
|