Hội thảo tham vấn và đào tạo về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa

Ngày 6/9/2022, tại Bắc Ninh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức Hội thảo "Tham vấn và đào tạo về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và hệ thống giám sát, báo cáo và thẩm tra về việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp tỉnh".

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội thảo. Nguồn ảnh: VNEEP

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: “Nhựa là ngành có mức độ tăng trưởng nhanh trong số các ngành công nghiệp với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 16-18%/năm, chỉ sau viễn thông và dệt may”. 

Từ năm 2017, cùng với việc ban hành các quy định sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa (Thông tư số 38/2016/TT-BCT và Văn bản hợp nhất số 26/VBHN-BCT), hệ thống quy định và chế tài về định mức tiêu hao năng lượng trong lĩnh vực nhựa đã đầy đủ. Đây là cơ sở quan trọng thúc đẩy mức độ tuân thủ thực hiện giám sát, báo cáo và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm. 

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) đặt ra mục tiêu giảm tiêu hao năng lượng bình quân đối với ngành sản xuất nhựa từ 18-22% giai đoạn đến năm 2025 và từ 21-24% giai đoạn đến năm 2030. Để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng (TKNL). 

Ông Mr. Henrik Nybo Lomholt, Chuyên gia tư vấn Cục Năng lượng Đan Mạch, đánh giá Việt Nam đã có chính sách tương đối hoàn thiện để thúc đẩy TKNL trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm, tuy nhiên vẫn còn nhiều khu vực có thể cải thiện hiệu quả tiêu thụ năng lượng.  

Theo kinh nghiệm từ Đan Mạch, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng có thể đem lại lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp ở khía cạnh giảm chi phí sản xuất và giảm phát thải carbon. Đây cũng là giải pháp hiệu quả về mặt chi phí để giảm áp lực phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng. 

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày về đề xuất sửa đổi định mức tiêu hao năng lượng cho ngành nhựa và hệ thống hỗ trợ giám sát, báo cáo và thẩm tra thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện mức độ tuân thủ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, bên cạnh việc áp dụng các chế tài xử phạt, cần có các chương trình khuyến khích, khen thưởng cho các doanh nghiệp xuất sắc trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về định mức tiêu hao năng lượng, tập trung vào lợi ích của doanh nghiệp khi đạt các định mức này; cung cấp công cụ hỗ trợ giám sát, thẩm tra cho các cơ quan quản lý và công cụ giúp doanh nghiệp theo dõi, báo cáo và dự báo mức tiêu thụ năng lượng.

Hệ thống công cụ hỗ trợ giám sát, báo cáo và thẩm tra việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được giới thiệu tại hội thảo. Công cụ được xây dựng nhằm hỗ trợ các Sở Công Thương trong việc tính toán, đánh giá độ chính xác của các báo cáo được gửi lên từ doanh nghiệp, từ đó giúp đưa ra yêu cầu xác minh hoặc phê duyệt. Về phía doanh nghiệp, công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định suất tiêu hao năng lượng trong năm, xác định xu hướng thay đổi mức tiêu hao năng lượng trong những năm tiếp theo. Từ đó, doanh nghiệp có thể xây dựng các kế hoạch thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 

 


  • 06/09/2022 08:40
  • PV
  • 972