Kiểm toán năng lượng giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Một trong những công cụ giúp doanh nghiệp kiểm soát mức độ tiêu thụ năng lượng từ đó đưa ra giải pháp tiết kiệm hiệu quả chính là tiến hành công tác kiểm toán năng lượng (KTNL). Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của KTNL. Để giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn và hiểu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hải - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) - đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kiểm toán năng lượng cho doanh nghiệp.

PV: Ông đánh giá như thế nào về nhận thức của doanh nghiệp trong việc thực hiện KTNL hiện nay?

Ông Hoàng Hải: KTNL là một hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp từ đó đề xuất các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn. KTNL được thực hiện tốt mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp nắm rõ hiện trạng sử dụng năng lượng, đánh giá hệ thống quản lý và tiêu thụ năng lượng, xác định những khu vực sử dụng có tiềm năng tiết kiệm năng lượng từ đó xây dựng kế hoạch TKNL tổng thể cho doanh nghiệp và dự toán chi phí năng lượng cho tương lai.

Thông qua thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, doanh nghiệp có thể giảm chí phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng giúp bảo vệ môi trường và xây dựng hình ảnh “Doanh nghiệp xanh” từ đó nâng cao uy tín của doanh nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ) số 50/2010/QH12, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, đơn vị vận tải có tổng mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra tấn dầu tương đương từ một nghìn tấn trở lên (1.000 TOE); các công trình xây dựng được dùng làm trụ sở, văn phòng làm việc, nhà ở; cơ sở giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục, thể thao; khách sạn, siêu thị, nhà hàng, cửa hàng có tổng mức tiêu thụ năng lượng trong một năm quy đổi ra tấn dầu tương đương từ năm trăm tấn trở lên (500TOE) bắt buộc phải thực hiện KTNL định kỳ 3 năm một lần. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc thực hiện KTNL, chưa quan tâm cao đến việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm về SDNLTK&HQ. Do đó, KTNL được thực hiện mang tính đối phó trước yêu cầu của Nhà nước và các cơ quan thanh kiểm tra. Các giải pháp TKNL đề xuất trong nhiều báo cáo kiểm toán năng lượng không sát với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đang đặt trọng tâm chủ yếu và việc phát triển sản xuất, kinh doanh mà chưa chú trọng đến việc tối ưu hệ thống, giảm thiểu chi phí, đặc biệt là chi phí năng lượng. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không cắt giảm được chi phí sản xuất từ hoạt động tiết kiệm năng lượng mà chi phí năng lượng ngày một tăng làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Nói rộng ra thì thị trường hiệu quả năng lượng ở Việt Nam vẫn đang phát triển chậm kéo theo nguy cơ làm tăng sự bất ổn về an ninh năng lượng trong điều kiện các nguồn năng lượng ngày một cạn kiệt.

PV: Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại tiến hành KTNL? Biện pháp để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng là gì?

Ông Hoàng Hải: Chúng ta có thể đề cập đến mấy nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp còn ngần ngại tiến hành KTNL như sau:

Thứ nhất: Doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức được lợi ích của KTNL, còn nhiều doanh nghiệp giữ quan điểm “chúng tôi làm thế này tốt rồi, KTNL làm gì, có được lợi gì đâu”, “chúng tôi đã thực hiết hết các biện pháp rồi, không còn gì có thể thực hiện” hoặc “KTNL xong thì chúng tôi tiết kiệm được bao nhiêu”. Tức là họ đang hiểu sai về bản chất của việc KTNL. 

Thứ hai: Tỷ trọng chi phí năng lượng trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp còn thấp nên doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 

Thứ ba: các doanh nghiệp còn chưa thực sự tiếp cận được đơn vị tư vấn dịch vụ KTNL uy tín, đảm bảo đúng chất lượng dịch vụ đem lại cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc quản lý của các cơ quan nhà nước của nhiều địa phương còn chưa chặt chẽ, các hoạt động truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về SDNLTK&HQ còn chưa thực sự hiệu quả.

Về biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng, chúng ta có thể xem xét thực hiện các biện pháp sau:

- Đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển thị trường hiệu quả năng lượng,...

- Nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan quản lý cấp địa phương. Đẩy mạnh việc kiểm tra sự tuân thủ luật pháp trong lĩnh vực SDNLTK&HQ của các doanh nghiệp,…

- Tăng cường các hoạt động truyền thông đến cộng đồng, doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

- Và cuối cùng, đẩy mạnh việc xây dựng và triển khai chương trình, các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, tài chính trong đầu tư các giải pháp TKNL.

PV: Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong quá trình triển khai KTNL?

Ông Hoàng Hải: Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai KTNL cũng như việc đầu tư các giải pháp TKNL. Đầu tiên là khó khăn trong việc tìm kiếm và lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, đủ năng lực. Hoạt động tư vấn là hoạt động rất quan trọng và là tiền đề cho các hoạt động đầu tư sau đó nhưng việc tiếp cận dịch vụ tư vấn chất lượng cao còn gặp nhiều thách thức.

Chính vì điều đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá tính khả thi của các giải pháp TKNL được đề xuất từ đó quyết định đầu tư do các nhân sự của các doanh nghiệp có nhiều chuyên môn về TKNL mặc dù đã được đào tạo về quản lý năng lượng.

Một trong những khó khăn chính nữa là khó khăn về tài chính, thu xếp vốn đầu tư cho các giải pháp TKNL. Việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi khi đầu tư TKNL còn nhiều rào cản, thách thức như lãi suất không ưu đãi hoặc ưu đãi thấp, thủ tục vay vốn còn phức tạp.

PV: Vậy để việc kiểm toán năng lượng tại các doanh nghiệp đạt hiệu quả thì giải pháp đưa ra là gì thưa ông?

Ông Hoàng Hải: Theo tôi, để cải thiện chất lượng KTNL cũng như các hoạt động đầu tư về TKNL thì các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các lớp đào tạo về nhận thức SDNLTK&HQ, đào tạo quản lý năng lượng, tìm kiếm các đơn vị tư vấn uy tín trong nước để được hỗ trợ và thực hiện kế hoạch, giải pháp TKNL. 

Các đơn vị tư vấn cần tập trung nâng cao năng lực các chuyên gia tư vấn, đầu tư trang thiết bị phục vụ KTNL đầy đủ, áp dụng các quy trình KTNL đạt chuẩn, cam kết chất lượng dịch vụ đem đến cho các doanh nghiệp, …

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này bao gồm cả việc hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng và đơn vị tư vấn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc

 


  • 21/10/2021 01:48
  • Nguồn: https://tietkiemnangluong.com.vn/
  • 1322