Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất sàn nhựa và là cơ sở sản xuất công nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm của Hà Nội, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Nhà nước và ngành Công Thương trong việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL), giảm phát thải khí nhà kính, Havitech đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Ông Nguyễn Quân - Trưởng phòng tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội - cho biết, năm 2021 thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Havitech đã tiến hành kiểm toán năng lượng và áp dụng các giải pháp, kết quả thu được trong 3 năm (2018-2020) tổng lượng điện mà công ty đã tiết kiệm được đạt 240.720 kWh, tương đương với tỉ lệ 5,1%.
Cụ thể, Havitech đã ban hành hành các văn bản, quy định việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho cán bộ nhân viên. Có kế hoạch giảm năng lượng hàng năm, đồng thời xây dựng kế hoạch đánh giá tình hình sử dụng năng lượng và tìm kiếm các cơ hội tiết kiệm năng lượng.
Tại khu vực sản xuất, với sự tư vấn của chuyên gia kiểm toán, công ty đã cho lắp biến tần cho 2 động cơ máy trộn nguyên liệu nhựa công suất 160kW; lắp biến tần cho máy nén khí công suất 37kW; tận dụng ánh sáng tự nhiên tại phân xưởng sản xuất; lắp biến tần và hệ thống điều khiển cho động cơ quạt hút bụi tổng của nhà máy, công suất 55kW.
Cũng theo ông Nguyễn Quân, kết quả kiểm tra công tác thực hiện Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại doanh nghiệp cũng cho thấy, công ty đã có nhiều sáng tạo, độc đáo trong triển khai các giải pháp và hoàn toàn có thể nhân rộng ra các doanh nghiệp sản xuất cùng lĩnh vực.
Tổng mức tiết kiệm thu được từ tất cả các giải pháp đã thực hiện là 240.720 kWh, tương đương với tỉ lệ 5,1%. Trong đó, giải pháp có mức tiết kiệm cao nhất là lắp biến tần cho hệ thống máy trộn nguyên liệu nhựa, đạt 14,33%. Thời gian hoàn vốn trung bình của các giải pháp là 1,35 năm.
Từ thực tế triển khai tại Havitech, ông Bùi Thanh Hùng - Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt Lạnh – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, từ năm 2016 Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí đánh giá “doanh nghiệp xanh” với các yêu cầu khắt khe về việc sử dụng năng lượng hiệu quả và ứng dụng năng lượng xanh trong sản xuất nhằm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng điện và giảm lượng phát thải CO2. Nhiều nhà máy đã nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm lượng phát thải CO2 bằng cách thực hiện các biện pháp để giảm tổng năng lượng tiêu thụ, nhất là ở một số hệ thống năng lượng công nghiệp phổ biến và tiêu thụ nhiều năng lượng nhất như hệ thống khí nén, hệ thống lò hơi, các động cơ điện, bơm và quạt hoặc đầu tư vào điện mặt trời áp mái…
“Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nhựa, các thiết bị như máy trộn nguyên liệu, máy ép, máy nén khí… là những thiết bị tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, nên khi được áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị này thì hiệu quả mang lại thường rất cao”, ông Hùng cho biết.
Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 – 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%. Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp muốn đạt hiệu quả cao thì cần kết hợp 3 phương pháp: Giám sát và cải tạo hệ thống hiện hữu theo hướng tiết kiệm năng lượng, giảm năng lượng hao phí và năng lượng không cần thiết; thay đổi thói quen và tăng ý thức tiết kiệm năng lượng của người sử dụng; áp dụng các công nghệ hiện đại, thay thế các thiết bị cũ lạc hậu bằng các thiết bị mới sử dụng ít năng lượng hơn, giúp tăng hiệu suất với cùng mức tiêu hao năng lượng, sử dụng các nguồn năng lượng mới thay thế.
Link gốc