Nối lưới toàn bộ điện mặt trời mái nhà ở TP HCM

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), khẳng định EVNHCMC sẽ đấu nối lên lưới điện tất cả dự án điện mặt trời mái nhà để nhanh chóng giải tỏa công suất.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: Thưa ông, người dân tìm hiểu thông tin ở đâu để biết khu vực mình đang ở có thể đấu nối điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lên lưới điện?

Ông Bùi Trung Kiên: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án đầu tư, phát triển hệ thống ĐMTMN, EVNHCMC đã công bố công khai, minh bạch và thống nhất trên website chăm sóc khách hàng (cskh.hcmpc.vn) quy trình về trình tự, thủ tục đăng ký thỏa thuận đấu nối, điều kiện thỏa thuận đấu nối hệ thống ĐMTMN; danh sách hệ thống ĐMTMN đã vào vận hành; danh sách các trạm biến áp, đường dây chưa bị quá tải và lượng công suất ĐMTMN còn khả năng đấu nối theo từng khu vực quận, huyện.

EVNHCMC cũng đã yêu cầu các đơn vị thành viên với những hệ thống ĐMTMN đấu nối lưới trung áp, trong vòng 2 ngày làm việc phải thực hiện xong thỏa thuận đấu nối với chủ đầu tư. Đến nay, thành phố chưa có trạm biến áp nào quá tải, toàn bộ 638 tuyến dây trung thế 22kV đều có thể đấu nối với các dự án ĐMTMN để nhanh chóng giải tỏa công suất cho những dự án đã lắp đặt, chủ đầu tư đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN có thể hoàn toàn yên tâm.

EVNHCMC cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trung áp ở khu vực đầy, quá tải trong năm 2020 nhằm tạo điều kiện và khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển ĐMTMN mà không làm quá tải trạm biến áp 110kV.

Nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được EVNHCMC đấu nối phát lên lưới - Ảnh: Ng.Tuấn.

PV: TP HCM là một trong những địa phương phát triển ĐMTMN nhanh và nhiều, hiện đã có bao nhiêu dự án được lắp đặt và đấu nối vào lưới điện?

Ông Bùi Trung Kiên: Tính đến nay, toàn TP có 9.568 hệ thống ĐMTMN được lắp đặt và đấu nối vào hệ thống lưới điện với tổng công suất 132.169,63 MWp. Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tốc độ tăng trưởng phụ tải hằng năm ở mức cao, tình hình cung ứng điện giai đoạn 2020-2025 đối mặt với nhiều khó khăn. Dự kiến EVN phải huy động sản lượng lớn nguồn nhiệt điện dầu đắt tiền và có nguy cơ khó cân đối được cung cầu điện trong các năm tới. Vì vậy, nhằm tăng cường nguồn điện trong giai đoạn sắp tới, ngành điện luôn tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia lắp đặt, phát triển ĐMTMN, phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, số lượng khách hàng và công suất sẽ tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống lớn, có công suất tương đương 1 MWp do các chủ đầu tư đang tranh thủ điều kiện ưu đãi của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg.

PV: Nhưng tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo này vẫn còn rất lớn?

Ông Bùi Trung Kiên: Đúng là như vậy. Tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 2% trên tổng công suất sử dụng của TP. Trong giai đoạn phát triển sắp tới, để đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP HCM, tỉ trọng này tiếp tục được nâng cao do tiềm năng phát triển và ứng dụng năng lượng mặt trời ở TP rất lớn, đặc biệt là ĐMTMN.

Qua khảo sát sơ bộ của EVNHCMC, tiềm năng lắp đặt ĐMTMN của nhóm hành chính sự nghiệp là 153,95 MWp; nhóm sản xuất là 1.471,77 MWp và nhóm thương mại là 145,88 MWp. Còn theo Ngân hàng Thế giới, tiềm năng ĐMTMN ở TP ước tính khoảng 6.300 MWp. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, ĐMTMN sẽ có khả năng phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

Link gốc


  • 23/09/2020 11:10
  • Nguồn: nld.com.vn
  • 1351