Quy hoạch điện VIII giúp giảm mạnh phát thải khí nhà kính

Theo Bộ Công Thương, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này, các nguồn năng lượng sạch như điện khí, năng lượng tái tạo đã được đề xuất xem xét phát triển mạnh mẽ. Với ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng sạch, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế xanh. Dưới đây là trao đổi của ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương về vấn đề này.

PV: Thưa ông, dự thảo Quy hoạch Điện VIII có sự thay đổi như thế nào về cơ cấu các nguồn năng lượng sạch so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này, các nguồn năng lượng sạch như điện khí, năng lượng tái tạo đã được đề xuất xem xét phát triển mạnh mẽ.

Theo đó, công suất điện gió đến năm 2030 sẽ lên tới 20.000 MW, tăng khoảng 14.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Đặc biệt lần đầu tiên, Việt Nam xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi. Đây là nguồn điện gió mà Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng.

Bên cạnh điện gió, trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, công suất điện mặt trời đã tăng thêm khoảng 8.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh và đưa công suất của điện mặt trời đến năm 2030 đạt khoảng 20.000 MW.

Cùng đó, các dự án thủy điện tiếp tục được phát triển với tổng công suất đạt khoảng 29.000 MW, tăng thêm khoảng 4.000 MW so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Ngoài ra, các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện từ sinh khối, điện từ rác thải tiếp tục được khuyến khích phát triển bởi không chỉ giúp tăng công suất nguồn điện mà còn giải quyết được những vướng mắc về xử lý môi trường.

Một điểm đáng chú ý nữa là trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cũng được đề xuất phát triển mạnh hơn với tổng công suất vào năm 2030 sẽ đạt khoảng 21.650 MW, tăng thêm khoảng 17.000 MW so với trước đây. Với cơ cấu nguồn điện như vậy, tổng công suất các nguồn năng lượng sạch của Việt Nam đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 75% và sản lượng điện từ các nguồn năng lượng sạch này chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện sản xuất của Việt Nam.

PV: Vậy việc thay đổi cơ cấu các nguồn năng lượng trong dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ giúp Việt Nam thực thi cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải nhà kính như thế nào thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Ngành năng lượng; trong đó có ngành Điện đang là ngành kinh tế có phát thải khí nhà kính lớn nhất tại Việt Nam. Vì vậy với định hướng ưu tiên phát triển các nguồn điện sạch trong Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, khoảng 15.000 MW điện than được loại bỏ so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Nhờ đó, Việt Nam có thể giảm được khoảng 78 triệu tấn CO2.

PV: Trong dự thảo Quy hoạch điện VIII vừa được trình lên Chính phủ phê duyệt, nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ ở mức hai con số. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về tỷ trọng này?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Với tiềm năng về năng lượng sơ cấp của Việt Nam, mức độ phát triển kinh tế cũng như khả năng chi trả của doanh nghiệp và người dân, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo điện. Hiện công suất nhiệt điện than khoảng 20.000 MW, chiếm khoảng 30% cơ cấu nguồn điện của Việt Nam và đóng góp gần 50% sản lượng điện cho hệ thống.

Thực tế là tỷ trọng công suất điện than của Việt Nam ở mức khoảng 30% hiện nay chỉ tương đương với mức trung bình của thế giới và thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia và Australia.

Với cam kết cắt giảm khí nhà kính, trong tương lai, các nhà máy điện than sẽ phải loại bỏ bớt. Tuy nhiên, trong thời gian tới, vẫn còn những dự án điện than được đưa vào vận hành bao gồm: Các dự án đang trong quá trình xây dựng, các dự án đã được quy hoạch, các dự án đã có chủ trương đầu tư, các dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư và có cam kết hợp đồng mua bán điện, các dự án của các chủ đầu tư nước ngoài đã có ràng buộc về hợp đồng BOT hoặc có cam kết của Chính phủ trong phát triển dự án.

PV: Với cơ cấu năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, đâu là các thách thức lớn nhất với Việt Nam trong hiện thực hóa mục tiêu này thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Thời gian vừa qua, để khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ; trong đó có cơ chế  giá mua điện cố định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chính sách giá mua điện cố định không còn phù hợp nữa. Vì vậy, thách thức khá lớn là phải xây dựng những cơ chế mới vừa thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, vừa đảm bảo được tính kinh tế của hệ thống điện.

Một thách thức nữa là năng lực kỹ thuật và kinh nghiệm của cả chủ đầu tư, đơn vị tư vấn kỹ thuật, đơn vị quản lý các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế do Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu của phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ như điện gió ngoài khơi thì hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam trong khi đây cũng sẽ là một nguồn năng lượng lớn trong tương lai.

Đặc biệt, năng lực thu xếp tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo rất khó khăn, nhất là các dự án điện gió ngoài khơi. Ví dụ, một dự án điện gió ngoài khơi của một nhà đầu tư nước ngoài đề xuất có công suất 3.400 MW thì nguồn vốn lên đến 11,9 tỷ USD và rõ ràng không hề dễ để thu xếp nguồn vốn lớn như vậy.

Cùng đó, việc sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo ở trong nước còn khiêm tốn. Hiện phần lớn các thiết bị điện gió, điện mặt trời, nhất là gió ngoài khơi phải nhập khẩu. Đó là hạn chế làm giảm tính chủ động trong cung cấp các thiết bị.

PV: Thưa ông, Bộ Công Thương có những đề xuất gì để thực thi định hướng phát triển năng lượng sạch trong dự thảo Quy hoạch điện VIII?

Cục trưởng Hoàng Tiến Dũng: Với cơ chế giá cố định cho điện tái tạo không còn phù hợp, Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng cơ chế mới là đấu thầu, đấu giá để lựa chọn các nhà đầu tư phát triển các nguồn điện sạch này.

Theo đó, cơ chế thầu đấu, giá chọn nhà đầu tư sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, cạnh tranh trong xác định giá mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo. Hơn nữa, cơ chế này cũng giúp cơ quan quản lý chủ động hơn trong xác định quy mô, công suất của các nguồn năng lượng tái tạo đưa vào, phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Ngoài ra cơ chế này cũng đảm bảo các nguồn điện đưa vào phù hợp với khả năng giải tỏa công suất của hệ thống, hạn chế thấp nhất tình trạng quá tải lưới điện truyền tải như thời gian vừa qua.

PV: Xin cảm ơn ông!

Link gốc


  • 20/12/2021 09:35
  • Nguồn: https://bnews.vn/
  • 1238