"Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn"

Đó là khẳng định của ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện lực.

Ông Trịnh Quốc Vũ

PV: Thưa ông, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện (TKĐ),  Bộ Công Thương đã và có những giải pháp cụ thể nào?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Thời gian qua, việc thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Bộ Công Thương triển khai một cách đồng bộ thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015. Đến tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình được phê duyệt đã cho thấy, sự quan tâm rất lớn của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và tiết kiệm điện nói riêng. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đã dự thảo Chỉ thị mới về tăng cường TKĐ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đưa ra cơ chế đặc thù và nhiều giải pháp thực hiện mạnh hơn.

Ngoài ra, hàng năm Bộ Công Thương đều xây dựng các chương trình truyền thông về TKĐ, chỉ đạo các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước thực hiện các giải pháp TKĐ, tiết kiệm năng lượng. Các giải pháp quản lý, giải pháp công nghệ về TKĐ cũng đã được Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững triển khai rộng rãi, đồng bộ thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư của các nhà tài trợ quốc tế.

PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng TKĐ hiện nay tại Việt Nam, đặc biệt là tại các doanh nghiệp trọng điểm?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Tôi cho rằng, hiện nay, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn. Theo số liệu khảo sát, ngành Xi măng, Sắt thép, Dệt nhuộm,… có tiềm năng tiết kiệm năng lượng vào khoảng 20 đến 30%; ngành Giấy, Nhựa, Thực phẩm,… khoảng 15% đến 25%. Đây là tiềm năng rất lớn để triển khai các chính sách, quy định về sử dụng hợp lý nguồn năng lượng đầu vào, giảm áp lực về đầu tư nguồn điện mới. Đồng thời, cần phải triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các đối tượng phải điều chỉnh theo Luật. Ngoài ra, cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân, mọi doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai chính sách, triển khai đầu tư áp dụng công nghệ mới, có hiệu suất cao và tiết kiệm điện.

PV: Việt Nam đã có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; có các quy định về mức tiêu hao năng lượng cho các ngành. Tuy nhiên, việc xử phạt các đơn vị/doanh nghiệp không tuân thủ vẫn chưa được thực hiện nghiêm. Theo ông, cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng “nhờn luật”?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là các doanh nghiệp (DN) chưa có ý thức về trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ Luật cũng như chưa ý thức về lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng mang lại cho chính DN. Một số địa phương muốn thu hút, thúc đẩy đầu tư, nên còn chưa thực sự quan tâm, triển khai mạnh mẽ công tác thanh, kiểm tra đối với các DN trong việc thực thi các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này cũng vẫn còn nương nhẹ, thiếu tính răn đe.

Để giải quyết, theo tôi trước hết, cần phải rà soát và hoàn thiện lại các quy định theo hướng tăng mức xử phạt đối với cá nhân, DN vi phạm. Thứ hai, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và cuối cùng cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ công tác thanh, kiểm tra trong việc áp dụng các quy định của Luật.

Ảnh minh họa

PV: Là một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh điện năng, nhưng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại luôn chú trọng triển khai nhiều giải pháp TKĐ. Điều đó có mâu thuẫn hay không, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Đó là điểm khác biệt. Những đơn vị sản xuất kinh doanh thông thường luôn muốn người tiêu dùng sử dụng nhiều sản phẩm để tăng doanh thu, lợi nhuận, nhưng EVN lại luôn đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm điện. Vì sao vậy? Tôi cho rằng EVN đã thể hiện được vai trò tiên phong trong việc thực hiện luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thể hiện đúng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước, luôn vì lợi ích cộng đồng.

Nhiều năm qua, EVN luôn đồng hành cùng Bộ Công Thương trong triển khai các chương trình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, như: Chiến dịch Giờ Trái đất; hỗ trợ lắp bình nước nóng năng lượng mặt trời; thay bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời theo hình thức Esco… Có thể nói, EVN là một trong những DN đi đầu triển khai các chương trình liên quan đến việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Hy vọng, thời gian tới, EVN tiếp tục là “ngọn cờ đầu” trong triển khai các chính sách, giải pháp liên quan đến việc TKĐ, TKNL, đặc biệt là tuyên truyền để mọi doanh nghiệp, tổ chức, tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bởi trong công cuộc đổi mới, đất nước rất cần nhiều năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!


  • 29/04/2020 10:53
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1812