PV: Anh/chị nhìn nhận như thế nào về quấy rối tình dục nơi công sở?
Chị N.T.H, Cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Quấy rối tình dục có thể xảy ra ở bất cứ đâu, công sở, nơi công cộng. Nhẹ thì là những lời nói, sự săn đón, nặng hơn là những hành động cưỡng bức... Tôi nhận thấy, trên thế giới, khi phong trào Metoo (phong trào tố cáo nạn xâm hại tình dục) đang làm rung chuyển toàn cầu thì tại Việt Nam, không mấy nạn nhân dám nói ra sự thật. Họ có nhiều mối lo sợ, sợ bị chỉ trích ngược, sợ vì nghĩ rằng mình sẽ không được bảo vệ... Ở góc độ nào đó, sự e ngại của nạn nhân là có cơ sở, vì thế quấy rối tình dục vẫn có đất sống.
Ảnh minh họa.
|
Anh N.Đ, Công ty Truyền tải điện 1: Tôi nghĩ quấy rối tình dục có nội hàm khá rộng: Quấy rối tình dục không chỉ là khi có xảy ra quan hệ tình dục, sờ soạng,… mà còn với những hành vi gọi điện, nhắn tin, gửi hình khiêu dâm... Ngoài ra, những lời đùa khiếm nhã, những cợt nhả quá đà, những đụng chạm đến người khác cũng không phải là chuyện hiếm ở cơ quan công sở.
Chị T.A.L, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực: Khái niệm này theo tôi còn khá mơ hồ. Quấy rối tình dục có thể dễ dàng nhận ra đối với người này, nhưng lại khó “quy kết” cho người khác. Khi bị phản ứng, nhiều người có hành vi quấy rối thanh minh đó chỉ là hành động đùa cợt, trêu nghẹo… cho vui(!) Chính sự phân biệt còn thiếu rạch ròi khiến nó trở thành một chủ đề khó nói ra, khó giải quyết.
PV: Theo anh/chị đối tượng nào “dễ” trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục nơi công sở?
Chị N.T.H: Có lẽ đa phần là phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ xinh đẹp, cởi mở, có phong cách ăn mặc hơi “phóng khoáng” và công việc phải giao tiếp thường xuyên.
Anh N.Đ: Nhắc đến cụm từ quấy rối tình dục nói chung và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người ta thường nghĩ đến thủ phạm là nam và nạn nhân là nữ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp nam giới cũng là nạn nhân của vấn nạn này. Nam giới thậm chí còn bị cả nữ giới và nam giới khác quấy rối tình dục.
Chị T.A.L: Tôi nghĩ không dễ để xác định đối tượng nào dễ bị quấy rối tình dục. Bởi nạn nhân quấy rối tình dục có nhiều độ tuổi, vị trí công việc, giới tính khác nhau. Tôi nghĩ, nếu mỗi cá nhân không ý thức được thế nào là quấy rối tình dục thì càng dễ dàng trở thành nạn nhân.
PV: Nếu không may là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục nơi công sở, anh/chị sẽ làm gì?
Chị N.T.H: Hãy giả vờ như không nghe thấy những lời chọc ghẹo, tán tỉnh nếu không muốn làm quá mọi chuyện. Đây là cách tốt nhất để chúng ta thoát khỏi sự quấy rối bởi sự thờ ơ sẽ làm giảm đi hứng thú đối với những kẻ “yêu râu xanh”. Hãy tập trung vào công việc, cố gắng tránh tiếp xúc với kẻ quấy rối càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn nếu có việc cần phải trao đổi, bạn cứ làm việc bình thường nhưng không nên quan tâm đến những chuyện bên lề, luôn giữ thái độ nghiêm túc trong quá trình làm việc.
Anh N.Đ: Bạn phải quyết liệt bảo vệ chính mình. Những kẻ đó thường không lùi bước trừ khi bạn cho chúng thấy quan điểm rõ ràng của bạn. Cần dứt khoát nói “Không!”. Nếu như thế vẫn chưa đủ, hãy nói cho người khác biết! Kẻ quấy rối sẽ phải bỏ cuộc thôi.
Chị T.A.L: Bạn càng cố tỏ ra bình tĩnh, hay cười cười cho qua, kẻ quấy rối sẽ nghĩ đó là tín hiệu “bật đèn xanh” cho sự quấy rối và có thể dẫn đến những hành động táo tợn hơn. Vì vậy, hãy kiên quyết tỏ rõ bằng nét mặt, cử chỉ, lời nói rằng bạn không muốn bị quấy rối tình dục và rất ghê tởm nó. Bạn không chỉ một mình, và thật sự, chẳng có gì đáng xấu hổ đâu, hãy hét lên, vẫy tay kêu cứu khi cần thiết hoặc làm bất cứ hành động nào thể hiện bạn đang bị xâm phạm để người khác biết và giúp đỡ.
PV: Làm thế nào để tránh bị quấy rối tình dục nơi công sở thưa anh/chị?
Chị N.T.H: Công sở là nơi làm việc, vì vậy các chị em nên lựa chọn cho mình những trang phục phù hợp khi đi làm không nên ăn mặc gợi cảm, sexy chưng diện quá mức dù nó có đẹp đi chăng nữa. Việc ăn diện hở hang quá dù muốn hay không cũng là thông điệp gửi đến cánh đàn ông bạn là người ham thích được chú ý.
Anh N.Đ: Để ngăn chặn “vấn nạn” quấy rối tình dục, mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức cũng như cách tự bảo vệ bản thân khi bị quấy rối tình dục. Mặt khác, mỗi cá nhân khi đến công sở cần có cách ăn mặc, nói năng chuẩn mực. Đối với những người làm công tác quản lý trong các cơ quan, công sở cũng cần nhận thức rõ ràng hơn về những biểu hiện quấy rối tình dục.
Chị T.A.L: Chúng ta có nghĩa vụ phải khiến nơi làm việc trở thành môi trường an toàn để nuôi dưỡng phẩm giá con người. Trong đó, văn hóa công ty nơi chúng ta làm việc là rất quan trọng. Chúng ta cần phải xây dựng văn hóa tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. Bên cạnh đó, cũng cần tạo ra những hành lang pháp lý, giúp các nạn nhân tố cáo đối tượng, nhằm ngăn chặn tình trạng nạn nhân bị quấy rối tình dục trong một thời gian dài mà không có biện pháp xử lý.
* Tên các nhân vật đã được thay đổi