Điện lưới đã về "thôn đèn dầu"

Công trình cấp điện thôn Đắk Lang vừa hoàn thành nghiệm thu, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở nơi từng "khát" điện lưới của tỉnh Đắk Nông.

Gia đình ông Lâm Văn Hiện, từ Lâm Đồng đến sinh sống tại thôn Đắk Lang (xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) hơn 2 năm nay. Để có điện sinh hoạt, ông Hiện phải tự bỏ số tiền 15 triệu đồng để lắp đồng hồ, kéo gần 2,5km đường dây điện. Tuy nhiên, do đường dây kéo quá xa, nên chất lượng điện thường xuyên không ổn định. Mưa gió, dây, cột điện hay va quệt, đứt gãy, thiếu an toàn, điện cũng rất yếu.

Điều này khiến cho hoạt động của các thiết bị trong nhà như: Tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, bơm nước… luôn bị chập chờn, ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của gia đình.

Ông Hiện cho biết, trước đây, mỗi lần sử dụng các thiết bị điện, gia đình phải căn giờ. Bây giờ có điện lưới, gia đình cảm thấy rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất.

"Có điện, gia đình thường xuyên được cập nhật thông tin về tình hình thời tiết qua loa, đài, nên cũng chủ động điều tiết nguồn nước tưới tiêu phù hợp cây trồng", ông Hiện nói.

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Hiệp sinh sống tại thôn Đắk Lang đã 10 năm nay, nhưng đến nay mới được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong những năm qua, nguồn điện duy nhất mà gia đình ông Hiệp sử dụng là từ pin năng lượng mặt trời. Nguồn điện năng lượng này không đủ cho nhu cầu sinh hoạt của cả gia đình, nhất là phục vụ việc học hành cho các con. Vào mùa mưa, gia đình ông hầu như không có điện dùng.

"Bao năm mong chờ, nay điện lưới đã về với thôn để bà con có điều kiện đầu tư, phát triển kinh tế. Đời sống tinh thần của người dân được nâng lên. Bộ mặt nông thôn của Đắk Lang thêm khởi sắc", ông Hiệp chia sẻ.

Người dân thôn Đắk Lang trước đây chưa được sử dụng điện lưới quốc gia

Toàn thôn Đắk Lang hiện có 360 hộ dân. Các hộ dân này đang sống rải rác từng cụm, không tập trung. Nhiều năm qua, bà con nơi đây phải tự kéo điện về sử dụng, an toàn, chất lượng điện năng cũng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Những ngày gần đây, công trình cấp điện thôn Đắk Lang thuộc Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Nông có chiều dài hơn 2km đã đưa điện về thôn Đắk Lang, từng bước giải quyết việc "khát điện" cho các hộ dân tại địa phương này. Bước đầu, công trình cấp điện cho khoảng 70/360 hộ dân, tiến tới việc "phủ điện" cho toàn bộ thôn Đắk Lang. Công trình hoàn thành đã giúp nhiều người dân được sử dụng điện an toàn, hiệu quả trong sinh hoạt và sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Tiến Duẩn, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, trong thôn hiện vẫn còn hơn 300 hộ phải tự kéo điện về sử dụng. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất với ngành điện để thực hiện rà soát, quan tâm đầu tư, đưa điện lưới quốc gia đến với các hộ dân còn lại trên địa bàn thôn.

Cũng theo ông Duẩn, việc đưa điện lưới quốc gia đến với người dân, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đắk Glong là nỗ lực lớn của ngành chức năng và địa phương. Ngoài cấp điện cho người dân, công trình còn giúp địa phương từng bước hoàn thành tiêu chí số 4 về điện trong xây dựng nông thôn mới. Công trình cũng có ý nghĩa quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Trước đó Dân trí đã phản ánh, nằm cách trung tâm huyện Đắk Glong và nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 chỉ chưa đầy 4 km, song từ khi thành lập thôn Đắk Lang (năm 2014), gần 300 hộ dân của thôn này vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Để sinh hoạt, người dân trong thôn phải dùng điện từ tua pin, mua từ trạm phát sóng viễn thông hoặc dùng đèn dầu, bếp củi. Để có điện phục vụ sinh hoạt sản xuất, một số hộ dân sinh sống tại thôn Đắk Lang phải dùng tua pin, kéo điện từ trạm viễn thông hoặc bỏ tiền ra mua dây điện kéo từ xã về.

Hiện nay, toàn huyện Đắk Glong có 91,52% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ số thôn, bon có điện lưới quốc gia đạt 100%. Ngành Công Thương đang tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư lưới điện nông thôn cho một số thôn, bon khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện.

Link gốc


  • 11/08/2022 09:51
  • Nguồn: dantri.com.vn
  • 450